Huyện Sơn Động: “Dân vận khéo” tạo đà xây dựng nông thôn mới

Từ một huyện miền núi, có xuất phát điểm thấp, diện mạo nông thôn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) giờ đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tập trung thực hiện “Dân vận khéo” một cách chủ động sáng tạo mà kinh tế – xã hội toàn huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng được cải thiện.

Dân vận chủ động, đa dạng, sáng tạo

Sơn Động được xem là “vùng trũng” của tỉnh Bắc Giang, với 17 xã, thị trấn địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện cũng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai (lũ lụt, sạt lở đất…); bên cạnh đó có 14 dân tộc chung sống, cùng với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều yếu kém… Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện có tới 14/17 xã, thị trấn được xem là đặc biệt khó khăn và 108/124 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II.

Với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để xây dựng nông thôn giàu đẹp, xua tan nghèo đói, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, ngay từ đầu, huyện Sơn Động luôn xác định xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm: Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân.

Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sơn Động đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là trong công tác dân vận, với nhiều thành tựu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Năm 2023, Ban Dân vận Huyện ủy đã tổ chức kiểm tra đối với 04/17 xã, thị trấn về thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với kiểm tra công tác dân vận, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

IMG_5411
Đường mở tới đâu, Nhân dân hiến đất tới đó.

Thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều địa phương, đơn vị trong huyện đã có những cách làm mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, nhất là ở cơ sở.

Trong năm nay, toàn huyện có tổng số 277 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực (trong đó, có 233 mô hình tập thể , 44 mô hình cá nhân). Về cơ bản các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả, có sức lan tỏa trong Nhân dân.

Tiêu biểu như trong lĩnh vực kinh tế, mô hình “Dân vận khéo” hộ chăn nuôi gia cầm đạt 30.000 con/năm tại Chi bộ thôn Tiên Lý, xã Yên Định. Đến nay, đã thành lập được một tổ hội chăn nuôi gà đồi Tiên Lý có 09 thành viên tham gia, mỗi thành viên năm 2023 đã đạt được 20.000 – 30.000 con, ngoài ra mô hình này đã thu hút được thêm 40 hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bước đầu từ 2000 – 3000 con/năm, hiện nay đã tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập kinh tế cao.

IMG_5389
Nhiều giống chim tại mô hình nuôi chim cảnh của hộ gia đình chị Nhì tại huyện Sơn Động.

Hay mô hình nuôi chim cảnh của hộ gia đình chị Nhì đem lại thu nhập cao cho gia đình thông qua kênh bán hàng online, chủ yếu là thành lập nhóm trao đổi trên facebook. Không chỉ thực hiện hiệu quả mục đích kinh doanh mà còn tạo nên cộng đồng nuôi chim cảnh, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích.

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong hiến đất, tặng cây xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn huyện. Đơn cử như mô hình giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông của xã Dương Hưu (đường bê tông từ đường 293 đến thôn Đồng Làng, tổng chiều dài 3.945,58 m; tuyến thôn Bản thôn Mùng 2.093m) cũng phát huy hiệu quả. Thông qua đó đã tuyên truyền vận động Nhân dân hiến 63.936m2 đất, trên 14.000 cây keo; tường rào xây 2.220m, mái vảy 48m, nhà bếp 01 nhà. Trong đó tiêu biểu (ông Dương Văn Ninh, hiến 5.100m đất lâm nghiệp, 2.000 cây keo; ông Hoàng Văn Chiến, hiến 4.000m3 đất lâm nghiệp, 1.500 cây keo; ông Chiều Xuân Thán, hiến 3.910m đất lâm nghiệp, 1.600 cây keo).

Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hoá – xã hội và môi trường phát huy hiệu quả được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hiện nay toàn huyện có 124 đội văn nghệ được thành lập tại các thôn; tiếp tục duy trì mô hình truyền dạy thêu ren trang phục truyền thống dân tộc Dao của Câu lạc bộ thêu ren của Tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, Hội phụ nữ xã Tuấn Đạo; mô hình câu lạc bộ văn nghệ hát Then, đàn Tính mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở xã An Lạc; lớp truyền dạy múa Tắc Xình, hát dân ca Sấng Cọ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chí, tại xã Lệ Viễn.

Kiên cường vượt khó, nhân rộng hiệu quả

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong năm 2023 tại huyện Sơn Động đã mang lại hiệu quả thiết thực trên các mặt, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực mạnh mẽ cho toàn huyện phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.

IMG_5452
Đại diện Ban Dân vận tỉnh ủy Bắc Giang tại chuyến khảo sát thực tế.

Để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu hơn nữa, toàn bộ hệ thống chính trị cùng Nhân dân huyện Sơn Động cần giữ vững tinh thần, kiên cường phấn đấu thi đua “Dân vận khéo”, phát huy tính sáng tạo, chủ động trong từng mô hình dân vận nói riêng và trong xây dựng nông thôn mới nói chung.

Huyện cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Cần chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.

Hệ thống công tác dân vận cần được tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả. Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận phù hợp với điều kiện hiện nay; tổ chức các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình Nhân dân. Cùng đó, huyện cần nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nhân rộng những mô hình dân vận điển hình, có hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.