Chuyển đổi nuôi biển theo hướng công nghiệp

Phú Yên đang khuyến khích các địa phương ven biển triển khai những mô hình nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và nuôi vùng biển hở; qua đó góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, tạo sinh kế cho người dân.

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189km, trên 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông… thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nuôi thủy sản bằng lồng, bè trên các vùng biển ven bờ. Đặc biệt, vùng biển hở gần bờ và xa bờ ở Phú Yên có diện tích khoảng 34.000km2, rất thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp. Nghề nuôi biển ở Phú Yên hình thành từ những năm 1990, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lồng nuôi thủy sản, trong đó tôm hùm khoảng 87.000 lồng; sản lượng thủy sản nuôi hàng năm khoảng 14.500 tấn, trong đó tôm hùm khoảng 1.500 tấn.

Hiệu quả cao từ phương pháp nuôi tiên tiến

Thời gian qua, hoạt động nuôi biển ở Phú Yên được triển khai rộng khắp tại các địa phương ven biển, nhiều mô hình nuôi biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ven biển. Ông Trần Văn Nở, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) chia sẻ: Tôi tham gia nghề nuôi tôm hùm đã mấy chục năm nay, lúc đầu gặp không ít khó khăn, thất bại liên tiếp nhiều năm, nhất là khi tôm hùm bị bệnh sữa. Những năm gần đây, gia đình tôi thả nuôi hàng chục ngàn con tôm hùm, nếu thuận lợi thì lợi nhuận cả tỉ đồng mỗi năm. Kết quả này có được là nhờ áp dụng những phương pháp nuôi tiên tiến mà các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã chuyển giao, đặc biệt là các chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Gia đình đang tìm hiểu để đầu tư lồng nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới (lồng HDPE) nhằm chống chịu gió bão.

Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc triển khai dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa từ năm 2018, đến nay dự án đã kết thúc với kết quả khả quan. Theo bà Trần Thị Lưu, chủ nhiệm đề tài, công ty triển khai 2 mô hình nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh với quy mô mỗi vụ khoảng 5 tấn tôm thương phẩm cho mỗi mô hình. Kết quả đối với tôm hùm bông, trung bình tôm đạt cỡ 0,73kg/con, tỉ lệ sống khoảng 76,4%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,1 tấn/vụ. Còn tôm hùm xanh, trung bình tôm đạt cỡ 0,4kg/con, tỉ lệ sống khoảng 78,2%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,4 tấn/vụ. Tôm thương phẩm được đưa đến Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 2 để xét nghiệm và các mẫu đều đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nói về hiệu quả của mô hình, ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, chia sẻ: Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ chưa như mong muốn, do ban đầu chi phí đầu tư, nhân công, nghiên cứu… khá cao. Nhiệm vụ chính của dự án là hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất. Đến nay, công ty đã xây dựng được mô hình RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) hoàn chỉnh nuôi tôm hùm với quy mô hàng hóa; xây dựng quy trình nuôi và định hướng phát triển nuôi tôm hùm trong bể trên bờ; đã nghiên cứu xác định nhu cầu astaxanthin (chất chống ôxy hóa), dịch thủy phân bổ sung nâng cao hiệu quả thức ăn cho tôm hùm nuôi; xác định chế độ phối hợp thức ăn và cho tôm hùm ăn hàng ngày đạt hiệu quả cao trong hệ thống RAS. Công ty tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và đang chuyển giao công nghệ mới này đến người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Người dân nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu tham khảo lồng nuôi làm bằng vật liệu mới HDPE. Ảnh: ANH NGỌC

Thay đổi để phát triển bền vững

Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của TX Sông Cầu, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân trên địa bàn. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Sông Cầu đang xây dựng 2 vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích khoảng 200ha tại xã Xuân Bình và xã Xuân Lộc. Địa phương đang sắp xếp lại các vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, đồng thời xây dựng kế hoạch nuôi lồng, bè ở vùng biển hở thuộc xã Xuân Cảnh khoảng 700ha. Bên cạnh đó, TX Sông Cầu cũng xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trong và ngoài nước, góp phần tạo sinh kế mới, việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Để phát triển nuôi biển, tỉnh sẽ bổ sung khoảng 1.000ha vùng biển hở ở TX Sông Cầu và 350ha vùng biển hở huyện Tuy An. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin: Tỉnh đang điều chỉnh cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản giảm dần đến ổn định diện tích nuôi đầm, vịnh, vùng biển ven bờ chiếm khoảng 15-20% diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản; phát triển tương ứng nuôi trồng thủy sản để thay thế sinh kế tại vùng biển hở và một số vùng trên bờ. Tỉnh khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ và các mô hình nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và nuôi vùng biển hở…

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Phú Yên cần lựa chọn những giải pháp phù hợp để phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giải quyết những vấn đề còn tồn tại như ô nhiễm môi trường, quy hoạch và sắp xếp tại các vùng nuôi để hướng đến nuôi biển theo hướng bền vững. Ngoài công nghệ nuôi tiên tiến, ngư dân nuôi biển cần đầu tư hệ thống lồng, bè, trang thiết bị phục vụ nuôi biển bằng vật liệu mới như vật liệu HDPE để chống chịu được gió bão, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Phú Yên có tiềm năng nuôi biển rất lớn, tỉnh phải nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững. Phát triển nuôi biển ở Phú Yên cần gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản.