Cách điều trị cá quả bị lở loét

Hỏi: Cá quả bị lở loét, chạm vào người cá thấy chảy máu cá bơi lờ đờ ăn kém. Xin hỏi chuyên gia cách chữa trị?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo mô tả, có khả năng cá đã mắc phải Hội chứng lở loét ở cá.

Dấu hiệu bệnh lý của bệnh lở loét

Những dấu hiệu đầu tiên là cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động chậm chạp, khi bơi thường nhô cao cái đầu lên bị hoại tử lên trên mặt nước. Da cá sẫm lại, có vết mòn màu xám hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, các vây và đuôi. Những vết mòn dần dần lan rộng và sâu thành những vết loét, vẩy rụng, xuất huyết và viêm. Những con cá bệnh nặng, các vết loét lõm sâu tới xương, làm phần cơ hai bên cơ thể bị hoại tử và để lộ ra những nội quan của cá. Giải phẫu các cơ quan nội tạng cho thấy tình trạng rất bình thường, hầu như bệnh EUS không thể hiện dấu hiệu biến đổi bên trong nội tạng. Bệnh có thể gây chết dữ dội ở một số loài cá có tính nhạy cảm cao với loại EUS.

Tại các vết loét lớn, vùng trung tâm vết loét có màu xám, các mép xung quanh có màu đen. Tại trung tâm của vết loét, thường là vị trí phát triển thích hợp của các giống nấm bậc thấp.

Tuy vậy, các dấu hiệu chính của EUS ở các loài cá khác nhau cũng có sự khác biệt. Dựa vào dấu hiệu bệnh, EUS có thể được chia ra các dạng khác nhau:

– Cá bị nhiễm EUS nhưng sức đề kháng của cơ thể rất thấp, hoặc bị cảm nhiễm nhiều loại tác nhân thứ cấp, nên cá chết nhanh và tỷ lệ chết rất cao.

– Cá bị nhiễm cấp tính và có thêm sự cảm nhiễm của các tác nhân thứ cấp, làm cá chết nhanh chóng với tỷ lệ cảm nhiễm cao.

– Sự cảm nhiễm diễn ra chậm với sức đề kháng của ký chủ cao, nếu bị cảm nhiễm thêm tác nhân cơ hội cũng có thể gây chất lác đác.

– Bệnh ở dạng mãn tính với ký chủ có khả năng đề kháng vừa đủ, để có khả năng phục hồi, trừ trường hợp có sự cảm nhiễm cơ hội.

– Ký chủ có sức đề kháng cao với sự nhiễm bệnh tự nhiên. Các loài cá này có khả năng trung hòa cao với độc lực của nấm, nên hầu hết cá bị bệnh đều có khả năng phục hồi và khỏi bệnh.

EUS ảnh hưởng đến các loài cá vùng nước ấm, ngọt và lợ. Rất nhiều loài cá khác nhau đã chịu ảnh hưởng của loại bệnh này. Theo Liley 1998, có khoảng 50 loài cá khác nhau bị ảnh hưởng của EUS. Nhưng theo Frerich, 1988 cho biết có trên 110 loài cá bị nhiễm bệnh lở loét, trong đó một số có tính nhạy cảm cao như: Giống cá lóc (cá quả)- Ophiocephalus spp., đặc biệt là cá lóc đen (Ophiocephalus striatus); cá trôi (Cirrhina mrigala); các loài cá trê (Clarias spp.); ở cá nước lợ có loài cá đối (Mugil cephalus) và cá diếc (Carassius auratus).

Đặc điểm lây lan của bệnh:

Bệnh được lan truyền chủ yếu theo dòng nước và sự di chuyển của cá mang mầm bệnh. Mặc dù nấm Aphanomyces invadans là tác nhân cần thiết của EUS và nó tồn tại trong hầu hết các mẫu cá bị bệnh lở loét, nhưng nấm này muốn xâm nhập được cần có các vết thương tổn trên cơ thể do tác nhân cơ học hay do ký sinh trùng.

Phòng và trị bệnh

Phòng và trị bệnh EUS cho quần đàn cá tự nhiên được xác định là không thể thực hiện được. Trong nghề nuôi cá, việc lựa chọn để nuôi các loài cá có khả năng kháng với bệnh EUS cao là biện pháp hiệu quả nhất để quản lý bệnh. Ngoài ra, các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của nấm vào ao nuôi cũng là biện pháp phòng bệnh tốt

Phơi khô đáy ao và dùng vôi nung (CaO) để tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi là một thao tác cần thiết. Tiêu diệt cá tạp và cá hoang dã trong ao để giảm mầm bệnh.

– Trong quá trình nuôi, thường xuyên rắc vôi nung (CaO) với nồng độ 20 ppm (2 kg vôi nung/ 100 m3 nước), hai tuần rắc một lần. Vôi có tác dụng khử trùng rất tốt, đồng thời cung cấp nguồn Ca++ cho thủy vực và có thể khử chua cho các vùng đất chua phèn. Hoặc thay thế vôi bằng chlorine Ca(OCl2)2 với liều lượng 1ppm

– Ðàn cá giống trước khi thả cần được tắm bằng NaCl 2-3% trong 5-15 phút để tẩy trùng các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Tránh các thương tổn do tác động cơ học trên cơ thể cá.

– Các nguồn nước cấp cho ao phải khử trùng, duy trì môi trường nuôi có chất lượng tốt.

– Vào mùa bệnh, với các đối tượng nuôi có tính nhạy cảm cao với EUS, nên bổ sung thành phần vitamin C vào thức ăn cho cá, để tăng khả năng đề kháng của cá trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh.

– Các ao đìa nuôi cá đã bị nhiễm bệnh cần cách ly và tiệt trùng nước ao trước khi xả bỏ ra môi trường để tránh sự lây lan.