Cách phân biệt thịt lợn ngon và thịt lợn nhiễm bệnh

Tâm lý lo ngại trước thông tin về dịch tả lợn châu Phi không chỉ ở phía người chăn nuôi mà người tiêu dùng cũng lo lắng. Không ít bà nội trợ chưa biết cách phân biệt thịt lợn mắc bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

phan-biet-lon-sach-va-lon-nhiem-benh-1

Lấy mẫu xét nghiệm trên đàn lợn tại xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình)

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trên vtv.vn, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

“Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người” – ông Phu nói.

Mặc dù nhiều thông tin khẳng định dịch tả lợn Châu Phi không lây nhiễm trên người; nhưng thực tế các chuyên gia thú y vẫn cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn…; và chính những căn bệnh này lại là mối nguy hiểm đe dọa sự an toàn của con người. Các bệnh lây nhiễm này khi xâm nhập vào cơ thể người có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa, nhiễm độc tiêu hóa, thậm chí nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong. Nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

phan-biet-lon-sach-va-lon-nhiem-benh-3

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân không cần hoang mang, tẩy chay thịt lợn an toàn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần hết sức bình tĩnh, không nên vì thế mà hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, có lăn dấu, dán tem kiểm định; chứ không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn.

Phân biệt thịt lợn ngon, không nhiễm bệnh

phan-biet-lon-sach-va-lon-nhiem-benh-2

Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, thịt lợn ôi thiu, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua ở những nơi không đảm bảo nguồn gốc thịt, không có kiểm dịch.

Thực tế thịt lợn tươi sống có phải thịt của con lợn bị nhiễm dịch tả hay không rất khó nhận biết, trừ khi là lợn chết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng có thể lựa chọn thịt lợn ngon, đảm bảo an toàn nhờ các cách nhận biết sau:

– Chọn mua thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dấu kiểm dịch, thịt có sắc đỏ tự nhiên, tươi sáng, không thâm nhão, không rỉ nhớt.

– Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu đỏ tươi tự nhiên. Phần mỡ trắng phau hoặc trắng sáng, phần da không có các đốm, vết khác thường.

– Bên ngoài, thịt có màng ngoài khô màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả. Mỡ có màu sắc trắng, độ rắn, mùi vị bình thường. Mặt khớp láng và trong.

– Miếng thịt rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra, phần thịt nạc dính nhẹ, nhưng không nhớt.

– Vết cắt: Miếng thịt tươi sẽ có màu sắc bình thường, sáng khô trong khi thịt hỏng thì ở vết cắt phần thịt bên trong màu sắc tối, hơi ướt.

– Thịt lợn tươi ngon khi luộc nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết loang to.

Thịt lợn bệnh thường có mùi lạ, màu sắc kém tươi; phần mỡ không trắng ngần mà có thể vàng, đục; bì lợn có thể có nhiều nốt sần, mẩn đỏ, trên da có nhiều vết bầm, tụ máu,… Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, thịt lợn ôi thiu, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua ở những nơi không đảm bảo nguồn gốc thịt, không có kiểm dịch.