Theo thường lệ, khoảng thời gian từ 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cả nước sẽ bắt đầu rậm rạp mua sắm Tết, tập trung vào các mặt hàng trang trí nhà cửa, đồ dùng thiết yếu, bánh kẹo… Do đó, cùng với việc bình ổn giá hàng hóa, ngành công thương các tỉnh, thành và doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.
Nhận định từ các nhà sản xuất và bán lẻ, mặc dù theo chu kỳ, sức mua thị trường trong nước cuối năm sẽ tăng nhưng năm nay dự báo sẽ không quá cao như kỳ vọng. Nguyên nhân do hiện nay, nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động từ những yếu tố không mấy khả quan; trong đó, có cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra vào giữa tháng 9/2024. Chính những biến động này đã và đang khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu, thậm chí họ còn gia tăng độ nhạy cảm về giá.
Cụ thể, sau bão số 3, sức mua tại miền Bắc, miền Trung giảm, sức mua ở TP Hồ Chí Minh cũng giảm bởi nhiều người tiêu dùng có xu hướng tích luỹ đề phòng rủi ro, cắt giảm các khoản tiêu dùng cho bản thân. Trước những biến động của thị trường, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cho biết đã có phương án bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm và mục tiêu trọng tâm là quyết tâm giữ ổn định giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Là địa phương tiên phong thực hiện bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình năm nay ngoài thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn năm ngoái còn mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, lượng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đủ sức điều tiết thị trường, giữ cho giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh việc kiểm tra và kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng và hệ thống phân phối trên địa bàn để đàm phán các chính sách chiết khấu ưu đãi, giúp giảm áp lực tăng giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu trong tháng cao điểm Tết. Để thúc đẩy sức mua, ngành công thương TP Hồ Chí Minh kêu gọi sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, tăng cường kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, xúc tiến thương mại, cùng với việc tổ chức các hội chợ và phiên chợ Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm Tết.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ, năm nay đơn vị chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm để đáp ứng mọi yêu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, các xưởng sản xuất, khu vực chế biến của Vissan đang khẩn trương hơn. Người lao động tập trung nâng cao năng suất, bảo đảm cung ứng ra thị trường 930 tấn thực phẩm tươi sống và gần 3.700 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước. Với vai trò là doanh nghiệp bình ổn thị trường, VISSAN dự trữ thêm từ 10 – 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng trường hợp khan hiếm hàng hóa đột biến của thị trường Tết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cuối năm và Tết Ất Tỵ từ giữa năm 2024, tập trung vào nhóm hàng, mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp cuối năm. Để có nguồn hàng số lượng lớn, giá tốt, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp nhà phân phối có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Saigon Co.op cũng dự báo về cung – cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp.
Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ được Saigon Co.op hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng mà ở đó, Saigon Co.op là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sau sản xuất. Bên cạnh đó, Saigon Co.op tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để vừa kích cầu tiêu dùng vừa đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thị trường.
Tương tự, Nhà máy bánh kẹo Biscafun (Quảng Ngãi) đã đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi một số mẫu mã, tăng sản lượng để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng Tết tính riêng phục vụ nhu cầu người dân tại địa bàn dự kiến khoảng 180 tấn. Toàn bộ sản phẩm của nhà máy được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, từ khâu nhập nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất, nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đạt chuẩn, an toàn và thơm ngon nhất cùng mẫu mã phong phú, kiểu dáng sang trọng và giá bán hợp lý
Còn tại An Giang, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp chủ lực đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường (tăng trên 53% so năm 2023), với 444 cửa hàng ở địa phương. Tổng số tiền dự trữ hơn 4.562 tỷ đồng. Trong số đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trị giá 954 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 3.608 tỷ đồng. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ cung ứng 6.894 tấn gạo, 1.310 tấn thịt lợn, 1.118 tấn thịt gà, vịt, 2.741 tấn thủy sản, gần 1,5 triệu trứng gia cầm, 70.437 thùng mì ăn liền, trên 81,1 triệu lít xăng, dầu…
Cùng đó, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, với danh mục hàng hóa tham gia gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu và nhóm nhiên liệu. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong 1 tháng khoảng 260 tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 30%-35% nhu cầu thị trường như bánh mứt, kẹo phục vụ Tết và rượu, bia, nước giải khát…
Tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung – cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…
Đại diện siêu thị WinMart Thăng Long cho biết: Hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%. Theo đó, hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá, đặc biệt áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm. Đồng thời, tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội bộ Supra giúp tối ưu hoá quy trình phân phối, vận chuyển nhanh chóng và kịp thời.
Song song với việc chuẩn bị hàng hóa, hệ thống WinMart/WinMart+ cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi cuối năm hấp dẫn, nhằm kích cầu mua sắm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà và rau củ cho cuối năm và Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước đó để thu mua sản lượng lớn và đảm bảo giá thành đầu vào.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá mặt hàng do nhà nước quản lý giá; trong đó, có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu