Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay đã có 13 hợp tác xã trong tỉnh được cấp mã số vùng trồng đối với cây chuối, sầu riêng, chôm chôm, xoài vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzealand với tổng diện tích được cấp mã vùng trồng là 694 ha.
Việc xây dựng vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu của các nước. Đây cũng là tiêu chuẩn quan trọng để phát triển mở rộng thị trường, do đó các hợp tác xã trồng trọt đã tích cực triển khai thực hiện.
Nhiều hợp tác xã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả cao. Đây là đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai tại kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025 vừa được ban hành.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 tổ hợp tác, 506 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và 1 liên hiệp hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ hơn 1.800 tỷ đồng, có 15.255 thành viên.
Tổng số thành viên của tổ hợp tác là là 36.508 thành viên, tổng số thành viên hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân là 49.370 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là 9.375 người.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Nai có 218 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã với tổng vốn điều lệ đăng ký 545 tỷ đồng, với 3.442 thành viên, 3.094 lao động.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, số lượng hợp tác xã tham gia liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp ngày càng tăng. Đến nay có 64 hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP ngày càng tăng lên; tỉnh hiện có 22 hợp tác xã với 39 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao và 4 sao, điển hình như: Hợp tác xã nông nghiệp Trường Phát có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Lợi có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Đối với hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, Đồng Nai có 38 trên tổng số 82 hợp tác xã trồng trọt đã sản xuất đạt chứng nhận GAP. Đặc biệt, đã có 3 hợp tác xã đã phát huy được vai trò tiên phong trong thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với diện tích 19,5 ha/27 ha diện tích hữu cơ của toàn tỉnh.
Đồng Nai sẽ tiếp tục khuyến khích các hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác để vừa mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với hợp tác xã nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tập trung xây dựng một số mô hình điển hình, hiện đại nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến, nhân rộng, đảm bảo các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng phát triển bền vững.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 20/02/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu