Huyết áp cao là yếu tố hàng đầu dẫn tới đau tim và đột quỵ. Một số loại thực phẩm từ tự nhiên, trong đó có các loại trà có thể giúp ích trong việc hạ huyết áp.
Huyết áp cao hay tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới tim mạch (suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim…) và đột quỵ.
Cao huyết áp có thể được cải thiện bằng cách kết hợp điều chỉnh lối sống như tập thể dục, giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối, tránh stress…
Có rất nhiều loại thực phẩm có thể thêm vào chế độ ăn uống khi bị tăng huyết áp, bao gồm: Các loại rau lá xanh, trái cây giàu chất xơ… Và một số loại trà cũng có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp dễ dàng hơn.
Trà xanh
Trà xanh là một thức uống rất phổ biến ở nước ta, được biết là có tác dụng hỗ trợ giảm cân và tốt cho một số tình trạng bệnh mạn tính, trong đó có tăng huyết áp.
Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Theo các nghiên cứu, uống trà xanh với tỷ lệ phù hợp, có thể cải thiện lưu lượng máu, đồng thời giảm nguy cơ viêm nhiễm ở các mô tim.
Đối với những người đang bị tăng huyết áp, nên uống một hoặc hai cốc trà xanh hằng ngày.
Trà dâm bụt
Trà dâm bụt được làm từ cánh hoa dâm bụt khô. Loại trà này có màu đỏ đẹp mắt và vị chua nhẹ. Trong trà dâm bụt có các hợp chất thực vật, bao gồm anthocyanin và polyphenol. Các hợp chất này đều có tác dụng thư giãn mạch máu, giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Khoa học Y tế Mashhad (Iran) cho thấy uống trà dâm bụt thường xuyên có tác dụng hạ huyết áp. Chính vì thế, trà dâm bụt được coi là ‘thuốc hạ huyết áp tự nhiên’.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đều cho thấy dâm bụt rất giàu các chất chống oxy hóa khác như beta-carotene, vitamin C. Chất chống oxy hóa giúp tiêu diệt các gốc tự do – phân tử có hại – trong cơ thể. Gốc tự do là tác nhân làm các tổn thương tế bào, từ đó dẫn tới hình thành ung thư, bệnh tim và tiểu đường. Chính vì thế, tiêu thụ một loại đồ uống giàu chất chống oxy hóa như trà dâm bụt sẽ góp phần giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc chứa nhiều hợp chất có lợi như flavonoid, terpenoid và coumarin, có công dụng thúc đẩy thư giãn, bớt căng thẳng, gián tiếp duy trì huyết áp ổn định. Loại trà này còn được nhiều người yêu thích nhờ đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, phòng ngừa ung thư.
Trà Ô long
Trà Ô long được chế biến từ cây trà (cây chè) với tên khoa học là Camellia Sinensis, thuộc họ chè (Theaceae).
Trà Ô Long được chế biến theo phương pháp lên men một nửa bằng cách phơi lá trà ngoài nắng cho héo, lắc nhẹ rồi phơi tiếp trong râm cho đến khi lá chuyển sang màu vàng nhạt, để các phản ứng sinh hóa diễn ra từ từ và làm tăng hoạt động của enzym. Sau đó trà Ô Long được đem đi sấy nhẹ và vo tròn để các cấu trúc tế bào được giữ nguyên.
Loại trà này giàu chất chống oxy hóa, nên rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Trà lá ô liu
Trà lá ô liu được làm từ lá của cây ô liu và có hương vị thơm ngon. Loại trà này chứa các hợp chất như oleuropein và hydroxytyrosol có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu.
Trong một nghiên cứu năm 2017, 31 người tham gia đã uống trà lá ô liu trong 28 tuần. Kết quả cho thấy huyết áp tâm thu và tâm trương của họ đều giảm đáng kể trong vòng 4 tuần.
Một điểm đáng lưu ý đó là trong số người tham gia nghiên cứu này, có những người đã được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2 và tiền tăng huyết áp. Họ đều đạt được mức huyết áp tiêu chuẩn sau khi uống trà lá ô liu.
Trà táo gai
Trà táo gai được làm từ quả của cây táo gai, có vị hơi ngọt và chua nhẹ. Theo dân gian, trà táo gai tốt cho sức khỏe tim mạch khi có thể làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và hạ huyết áp.
Một đánh giá năm 2020 về 4 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy chế phẩm từ táo gai (dạng viên hoặc dạng lỏng) có tác dụng giảm đáng kể huyết áp ở những người bị tăng huyết áp nhẹ (tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp giai đoạn 1) khi dùng trong ít nhất 12 tuần.
Mặc dù các thử nghiệm này đều không liên quan cụ thể tới trà táo gai nhưng điều đáng chú ý là nhiều hợp chất tương tự có trong trà táo gai đều góp phần mang lại những tác dụng này.
Lưu ý khi sử dụng trà để hạ huyết áp
Liều lượng
Theo các nghiên cứu, liều lượng trà cần thiết để đạt được lợi ích hạ huyết áp là khoảng 2 tách mỗi ngày. Tuy nhiên, liều lượng này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng cá nhân, loại trà, chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và mức huyết áp hiện tại.
Thời gian sử dụng
Tương tự như liều lượng, thời gian uống trà để có được lợi ích hạ huyết áp cũng khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể thấy hiệu quả ngay sau vài tuần, nhưng cũng có người phải mất vài tháng mới thấy được tác dụng.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu