Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019 – 2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Hiện nay tình trạng trẻ em thiếu máu dinh dưỡng tỷ lệ vẫn còn cao. Vậy, làm thế nào để phòng ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ? Nhóm trẻ nào có nguy cơ thiếu sắt? Cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong nội dung bài viết dưới đây:
3 nhóm trẻ có nguy cơ cao thiếu sắt
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, những nhóm trẻ em có nguy cơ thiếu sắt cao mà mẹ cần nắm rõ là:
Trẻ sinh non và nhẹ cân: Nguyên nhân là do sự thiếu hụt sắt tích lũy ở các tuần cuối của thai kỳ không được mẹ truyền sang cho con, do vậy khuyến cáo cần bổ sung 2mg/kg/ngày và tối đa 15mg/ ngày cho trẻ từ 2 tuần tuổi và bổ sung liên tục cho đến khi trẻ 1 tuổi.
Trẻ trong giai đoạn tăng trưởng nhanh: Trẻ trong giai đoạn tập bò, tập đi, tập đứng, dậy thì… cũng dễ có nguy cơ thiếu sắt, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chế độ dinh dưỡng cung cấp không đủ sắt so với tốc độ tăng trưởng của trẻ.
Trẻ thường xuyên ốm: Thời điểm trẻ bị ốm, virus, vi khuẩn sẽ lấy các vi chất dinh dưỡng đặc biệt là sắt để sinh sôi và phát triển. Trong khi đó trẻ trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” tần suất mắc bệnh lý về đường hô hấp trung bình mỗi năm từ 4-6 lần. Vì vậy nhóm đối tượng này cũng rất dễ thiếu sắt.
Ngoài ra, trường hợp trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu sắt cũng khiến cơ thể không nhận được lượng sắt cần thiết để sản xuất hồng cầu đều đặn dẫn đến tình trạng thiếu máu. Chưa kể, “không phải cứ cho trẻ thức ăn giàu sắt và kẽm là hấp thu 100%. Sắt hấp thu rất thấp, chỉ 10-15% sắt từ thức ăn” – Chia sẻ bởi TS.BS Phan Bích Nga trên moh.gov.vn
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu