Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác quá mức, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại khu vực nông thôn. Với sự sáng tạo và linh hoạt, các DNNVV không chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên đất, nước, rừng và đa dạng sinh học.
Ứng dụng mô hình sản xuất thân thiện với môi trường
Hiện nay, nhiều DNNVV tại nông thôn đã áp dụng các phương thức sản xuất giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, Công ty CP Nông sản Lộc Trời đã triển khai mô hình canh tác lúa thông minh tại Đồng bằng sông Cửu Long, giúp giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó bảo vệ chất lượng đất và nguồn nước.
Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tân Lập (Lâm Đồng) đã thành công trong việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất, đồng thời duy trì độ màu mỡ của đất. Nhờ đó, sản phẩm rau sạch của họ đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP, nâng cao giá trị nông sản và giảm tác động đến môi trường.
Ngoài ra, yếu tố nguồn nước cũng bắt đầu được chú trọng. Nước là yếu tố thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhưng tại nhiều vùng nông thôn, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên này. Để khắc phục, nhiều DNNVV đã ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa. Sẽ dễ dàng nhận thấy phương pháp tiết kiệm nước ở những vùng trồng lớn như Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất thủy sản như Công ty CP Thủy sản Minh Phú đã đầu tư hệ thống tuần hoàn nước trong các ao nuôi tôm, giúp giảm ô nhiễm nguồn nước và tái sử dụng nước hiệu quả.
Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học
Tại các vùng đồi núi và khu vực dễ bị xói mòn, các DNNVV cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Một ví dụ điển hình là Hợp tác xã Cà phê Khe Sanh (Quảng Trị), nơi các hộ nông dân được khuyến khích trồng xen cây che bóng mát để bảo vệ đất và duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Cây xanh với bóng mát cũng giúp cho hạt cà phê cho chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến gỗ tại Tây Nguyên đã chuyển hướng sang sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng thay vì khai thác gỗ tự nhiên, giúp giảm áp lực lên rừng nguyên sinh và thúc đẩy mô hình lâm nghiệp bền vững.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Mô hình kinh tế tuần hoàn đang ngày càng được các DNNVV áp dụng để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tại Đồng Tháp, một số doanh nghiệp chế biến lúa gạo đã tận dụng vỏ trấu để sản xuất than sinh học, phục vụ ngành năng lượng sạch.
Tại các trang trại chăn nuôi, mô hình biogas cũng đang được phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi thành khí biogas, giúp cung cấp nguồn năng lượng sạch và giảm ô nhiễm môi trường.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng, nhưng các DNNVV vẫn gặp nhiều thách thức khi triển khai các mô hình sản xuất bền vững. Một số khó khăn phổ biến bao gồm thiếu vốn đầu tư, hạn chế về công nghệ và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần có chính sách khuyến khích đầu tư xanh, hỗ trợ tín dụng ưu đãi và tổ chức đào tạo về mô hình sản xuất bền vững.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu