Tiếng chổi làng nghề dệt mùa xuân mới

Khi những rộn ràng của Tết vang vọng về, những làng nghề chổi tre và chổi chít tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn miệt mài giữ nhịp sống riêng. Tiếng chổi khẽ quét trên nền đất, tiếng gõ nhịp của những bàn tay khéo léo gợi nhớ cả một chặng đường dài mà những người con nơi đây đã trải qua để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Vào năm 1992, ông Giáp Văn Thiệp, người con thôn Đông Am Vàng, đã mang nghề làm chổi tre về làng. Những người nông dân quanh năm vất vả với ruộng đồng giờ đây có thêm một lựa chọn để cải thiện cuộc sống. Không lâu sau, ông Nguyễn Văn Thất ở thôn Nội Hạc cũng học nghề làm chổi chít và truyền lại cho gia đình cùng bà con trong làng. Hai ngọn lửa nghề ấy đã thắp sáng hy vọng đổi đời cho người dân.

Tiếng chổi làng nghề dệt mùa xuân mới 1
Những chiếc xe đạp chở chổi của bà con rong ruổi khắp các nẻo đường.

Thời kỳ đầu, nghề làm chổi còn nhiều khó khăn về đầu ra. Người dân mỗi người một chiếc xe đạp, rong ruổi khắp các chợ lớn nhỏ để bán từng bó chổi. Những ngày mưa gió, bùn đất bám đầy bánh xe, áo quần lấm lem, nhưng họ vẫn không nản lòng. Từng chiếc chổi tre mộc mạc, chổi chít bền đẹp đã len lỏi đến mọi miền quê, mang về những đồng tiền đầu tiên để đổi lấy cơm áo cho gia đình.

Đến năm 2007, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp – Thương binh xã Việt Lập ra đời, mở ra một bước ngoặt lớn. Không chỉ bao tiêu sản phẩm và nhập nguồn nguyên liệu uy tín với giá thành rẻ cho bà con, hợp tác xã còn mở rộng sản phẩm, từ chổi tre, chổi chít đến chổi rơm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng thời nơi đây còn là nơi gắn bó của những thương binh và người khuyết tật trong xã. Với 15 thành viên, trong đó 80% là thương bệnh binh và người khuyết tật.

Tiếng chổi làng nghề dệt mùa xuân mới 2
Nghề làm chổi không quá cầu kỳ, phức tạp nên người dân dễ dàng học và làm theo một cách nhanh chóng.

Ông Nguyễn Hoài Muôn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết với sự hỗ trợ từ chuyển đổi số, đầu ra cho bà con ngày càng mở rộng. “Các kênh bán hàng trực tuyến giúp sản phẩm của bà con tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo đầu ra ổn định để mọi người yên tâm sản xuất”, ông chia sẻ.

Nhờ sự hỗ trợ của hợp tác xã, nghề chổi ở xã Việt Lập dần ổn định và phát triển. Năm 2010, làng nghề chổi tre Đông Am Vàng được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận. Năm 2015, đến lượt làng nghề chổi chít Nội Hạc cũng được vinh danh. Hai làng nghề này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp xã Việt Lập vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm sáng về kinh tế địa phương.

Tiếng chổi làng nghề dệt mùa xuân mới 3
Vào lúc nông nhàn, nghề chổi trở thành nghề phụ đem lại một nguồn thu nhập khác khá ổn định cho bà con.

Theo ông Nguyễn Văn Thất (thôn Nội Hạc, xã Việt Lập), tại cơ sở sản xuất của gia đình ông có từ 4 đến 5 người đều trong độ tuổi khoảng 60 làm việc “tranh thủ” trong thời gian rảnh rỗi. Vì làm chổi không quá cầu kỳ phức tạp nên trong 1 tháng sản lượng của nhà ông đạt khoảng 3500 cái, mỗi người lao động có thêm thu nhập từ 4,5 triệu đồng tới 5,5 triệu đồng/tháng.

Dù nghề làm chổi không mang lại nguồn thu quá lớn, nhưng với người dân nơi đây, đó là niềm tự hào. Trong những lúc nông nhàn, khi đồng áng đã tạm gác lại, tiếng cười nói lại rộn ràng trong những xưởng chổi. Từ đôi tay của các cụ già, các mẹ, đến những thương binh, người khuyết tật, mỗi chiếc chổi đều mang theo tâm huyết và sự khéo léo của người làm ra nó.

Tiếng chổi làng nghề dệt mùa xuân mới 4
Trong nhịp sống hiện đại, sự tồn tại của mỗi sản phẩm chổi như một lời khẳng định rằng truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng, nối dài mãi đến tương lai.

“Hơn 30 năm qua, những người lớn tuổi, bậc ông bà, cha mẹ trong làng đã gắn bó với nghề làm chổi. Nhưng nỗi trăn trở lớn nhất của chúng tôi đó chính là thế hệ tiếp nối nghề này” – ông Nguyễn Hoài Muôn bộc bạch. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là làm sao để thế hệ trẻ thiết tha với cái nghề của làng, để tiếp tục duy trì cái hồn của làng nghề chổi tại xã Việt Lập”. Những lời tâm sự ấy vừa phản ánh tình yêu với nghề đồng thời là lời kêu gọi thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển giá trị truyền thống.

Những tiếng chổi vang vọng giữa làng quê không chỉ gợi nhớ quá khứ mà còn là nhịp cầu nối dài đến tương lai. Trên con đường phát triển, nghề chổi ở Việt Lập vẫn sẽ tiếp tục được trao truyền. Và mỗi dịp xuân về, trong nhịp sống hối hả, những người dân nơi đây vẫn miệt mài với nghề, như dệt thêm những mùa xuân mới từ những điều giản dị nhất.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu