Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An

Long An coi tái cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã chủ động ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phát triển kinh tế, xã hội.

Ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản

Mục tiêu của tỉnh Long An là xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế. Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liền với mục tiêu xây dựng NTM.

Điển hình phải nhắc đến huyện Cần Giuộc, địa phương  đang tiến gần đến đích nông thôn mới (NTM) năm 2023. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ, theo Nghị quyết 11-NQ/HU của Huyện ủy.

Nông dân huyện Cần Giuộc tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Năm 2024, huyện Cần Giuộc được phân bổ 34,7 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, cùng với hơn 3,7 tỷ đồng huy động từ cộng đồng. Nguồn vốn này được sử dụng minh bạch, hiệu quả để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, thủy lợi, y tế, giáo dục… Huyện cũng không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM.

Bên cạnh đó, huyện Tân Thạnh  đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại với mục tiêu chuyên canh, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao. Huyện tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị nông sản an toàn, thân thiện với môi trường, từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản và chế biến.

Với hơn 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, Tân Thạnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Huyện khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa, vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít Thái siêu sớm, sầu riêng Ri6, chanh không hạt, dừa xiêm xanh lùn,… với tổng diện tích đạt hơn 2.513ha. Song song đó, Tân Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với 17 HTX nông nghiệp đang hoạt động, góp phần liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hướng tới nông thôn mới bền vững

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, sở đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ then chốt và động lực để thúc đẩy XDNTM trên địa bàn tỉnh. Việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng giúp tỉnh đạt mục tiêu XDNTM trong năm 2024, cụ thể là có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 huyện đạt chuẩn NTM.

Long An xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt và động lực để thúc đẩy xây dựng NTM.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An sẽ tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất; chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất và chế biến tập trung, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, sở tiếp tục xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản. Mục tiêu là thay đổi quy mô tổ chức sản xuất, ứng dụng nhanh khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị canh tác.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương để rà soát, đánh giá tiến độ xây dựng NTM hàng tuần. Các khó khăn, vướng mắc sẽ được kịp thời tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM. Sở cũng sẽ phối hợp với Trung ương tổ chức thẩm định hồ sơ xây dựng NTM cấp huyện.

Bên cạnh đó, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được, hướng đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM thông minh. Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM năm 2025 cũng sẽ được sở tham mưu xây dựng với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Long An đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ công nhận thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 10 huyện; đồng thời công nhận thêm 5 xã NTM, 8 xã NTM nâng cao và 7 xã NTM kiểu mẫu. Riêng chỉ tiêu công nhận huyện NTM kiểu mẫu sẽ được điều chỉnh sang giai đoạn 2026-2030 do Trung ương chưa ban hành hướng dẫn.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu