Mô hình mới là động lực giúp nông dân một huyện ở Hà Giang nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn và của từng địa phương.

Động lực nào giúp nông dân một huyện nghèo ở Hà Giang nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Hội Nông dân huyện Xín Mần tham quan mô hình trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao của ông Trần Đức Hiền.

Xín Mần (tỉnh Hà Giang) là huyện có điều kiện địa lý khó khăn và là một trong những khu vực miền núi với tỷ lệ nghèo cao. Do đó, việc thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Hội Nông dân huyện Xín Mần có 12.443 hội viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 9.300 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp; đến nay đã có 1.858 số hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các Hội cơ sở đã giúp đỡ ngày công lao động, các loại cây, con giống, vật nuôi cho 44 lượt hộ nghèo; hỗ trợ 3.568 hội viên nông dân đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Thành quả lớn trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn huyện Xín Mần mang lại không thể không kể đến là đã góp phần hình thành lên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, nông dân liên kết để tham gia xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa tập trung.

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiên phong, sáng tạo, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới. Qua đó, góp phần phá vỡ thế độc canh trong sản xuất các cây, con truyền thống; từng bước đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

Động lực nào giúp nông dân một huyện nghèo ở Hà Giang nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Hiền, xã Nà Chì, huyện Xín Mần (Hà Giang) với mô hình vườn, ao chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Trần Đức Hiền ở xã Nà Chì được nhiều người biết đến là một trong những điển hình về sản xuất giỏi với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Nhận thấy ở vùng đất này có khí hậu ưu đãi, phù hợp cho việc trồng cây, bản thân ông Hiền lại đam mê làm vườn nên sau khi ông nghỉ hưu đã quyết định quy hoạch lại khu vườn rừng của gia đình để bắt tay xây dựng trang trại và xác định lấy cây công nghiệp, cây ăn trái và ao thả cá làm hướng chủ lực.

Khu vườn rộng gần 2ha của ông trước đây cỏ mọc um tùm chỉ trồng lác đác số ít giống cây ăn quả, ông đã cải tạo thành khu vườn có quy mô, phân chia khu vực cụ thể. Đầu tiên ông quy hoạch vùng trồng bưởi diễn và bưởi da xanh trên khu đất đồi dốc. Xây dựng chuồng trại nuôi gà, nhím và vịt đẻ trứng. Bên dưới là hệ thống hơn 30 ô chuồng để nuôi lợn với hệ thống bể biogas, xử lý mùi. Cùng với đó, ông đào thêm 2 ao để nuôi cá trắm, cá chép, gây giống các loại cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường và trữ nước cung cấp tưới tiêu cho vườn cây. Thu nhập của gia đình ông Hiền sau khi đã trừ các chi phí đi là gần 300 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình kinh tế tập thể thì đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện những nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, điển hình như: Hộ ông Trần Đức Hiền, với mô hình tổng hợp vườn, ao, chồng, xã Nà Chì; ông Giang Kim Thăng, thôn Tân Sơn, xã Nấm Dẩn với mô hình chăn nuôi trâu hàng hoá; ông Hoàng Văn Hồng, thôn Quảng Hạ xã Quảng Nguyên với mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo và kinh doanh vật liệu xây dựng; ông Hoàng Văn Dương, thôn Nặm Sái, xã Nà Chì phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp…

Động lực nào giúp nông dân một huyện nghèo ở Hà Giang nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Ông Hiền là người tiên phong đưa giống cây Nho thân gỗ về trồng thử nghiệm ở huyện Xín Mần, đem lại giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang ông Phạm An Thái, cho biết: Những năm qua, Phong trào nông dân thi đua làm kinh tế giỏi tại huyện Xín Mần đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, những hội viên, nhóm hội gia đình làm ăn kinh tế hiệu quả. Đặc biệt là những mô hình phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả… đã được Hội Nông dân huyện, tỉnh và Trung ương Hội ghi nhận.

Hội Nông dân huyện Xín Mần đã phối hợp xây dựng các chương trình liên kết chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Già Dui (Thèn Phàng), nếp Quảng Nguyên, Séng Cù xã Trung Thịnh, nếp Nàng Hương xã Cốc Rế. Thực hiện mô hình trồng hồng không hạt tại xã Chế Là, Bản Ngò; liên kết thực hiện trồng cây hồng không hạt, cây mận, cây lê tại xã Thèn Phàng; xây dựng mô hình nuôi trâu vỗ béo ở xã Ngán Chiên, Bản Díu, Nàn Xỉn và Tả Nhìu gắn với xây dựng tổ hội nghề nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Xín Mần đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến sản phẩm do huyện Xín Mần và tỉnh Hà Giang tổ chức. Đến nay toàn huyện Xín Mần đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP là: Mật ong hoa thảo quả xã Nấm Dẩn, Trà Shan Tuyết Chế Là, Trà Tuấn Băng xã Nà Chì, Trà Khổ Qua rừng thị trấn Cốc Pài, Mật Ong hoa rừng xã Xín Mần, Gạo Gìa Dui xã Thèn Phàng, Gạo nếp Quảng Nguyên xã Quảng Nguyên, Miến dong thị trấn Cốc Pài, Thịt trâu sấy khô xã Tả Nhìu, Chè Bản vẽ xã Nà Chì, Hạt ý dĩ xã Chí Cà.

Ông Thái cho biết thêm: “Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn và của từng địa phương; phát huy nội lực, trí tuệ của từng hộ gia đình nông dân; góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Những kết quả của phong trào đã tăng cường sự tin tưởng, gắn bó giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội, thúc đẩy việc đổi mới phương thức tập hợp nông dân, nâng cao hiệu quả các hoạt động công tác và chất lượng tổ chức Hội Nông dân các cấp…”.

Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo ra bước chuyển đổi lớn trong cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung trên địa bàn huyện Xín Mần.

Hy vọng rằng, trong những năm tới, phong trào sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tạo cơ sở, nền tảng vững chắc giúp các xã trên địa bàn huyện nhanh chóng về đích “xã nông thôn mới”; góp phần xây dựng quê hương Xín Mần ngày một giàu đẹp, văn minh…

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu