Đến nay, Điện Biên đã trở thành vùng trọng điểm trồng mắc ca lớn nhất nhì khu vực Tây Bắc với gần 7.200ha.
Cây mắc ca bắt đầu bén rễ tại Điện Biên từ năm 2013. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu, Điện Biên là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Đến nay, Điện Biên đã trở thành vùng trọng điểm trồng mắc ca lớn nhất nhì khu vực Tây Bắc với gần 7.200ha. Cây mắc ca giờ đây không chỉ giúp người dân ổn định sinh kế mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.
Là một trong những hộ tiên phong trồng khảo nghiệm cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo, gia đình ông Là Văn Chanh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo từng đối mặt với không ít lo âu. Những ngày đầu, ông và gia đình không khỏi băn khoăn cây mắc ca sẽ sinh trưởng ra sao, hiệu quả kinh tế thế nào. Đến năm thứ 6, khi 260 cây mắc ca bắt đầu ra hoa và bói quả, niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của gia đình ông đã được đền đáp xứng đáng.
Ông Là Văn Chanh kể lại, bắt đầu năm thứ 6 khi vườn mắc ca cho quả, lúc bấy giờ ông bán với giá 100.000 đồng/kg quả tươi. Quả thu được bao nhiêu thì ông đều bán hết, gia đình rất phấn khởi và cảm thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng sắn. Từ năm thứ 6 trở đi, năm nào vườn mắc ca cũng cho thu hoạch quả mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Quài Nưa là một trong những xã triển khai trồng cây mắc ca sớm nhất của huyện Tuần Giáo với hơn 500 ha trồng thử nghiệm vào năm 2013. Qua hơn một thập kỷ, cây mắc ca không chỉ khẳng định tiềm năng sinh trưởng mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Với giá thu mua quả tươi ổn định từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, mắc ca mang lại nguồn thu nhập đáng tin cậy. Nhiều hộ gia đình nhờ vào loại cây này đã có được thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng mỗi vụ thu hoạch, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc giảm nghèo bền vững của bà con nơi đây.
Đến năm 2022, nhận thấy tiềm năng và giá trị bền vững của cây mắc ca, huyện Tuần Giáo đã mở rộng diện tích trồng và triển khai chính sách hỗ trợ đặc biệt theo chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, mỗi hécta đất canh tác sẽ được chính quyền địa phương cung cấp hơn 200 cây giống cùng lượng phân bón tương ứng, hỗ trợ kéo dài trong thời gian 5 năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa Lò Văn Tuấn cho biết, chính sách hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật đã tạo động lực lớn cho bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, mạnh dạn đầu tư vào loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Chính quyền địa phương cũng rất quyết liệt chỉ đạo triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất kém hiệu quả sang trồng mắc ca, cùng với sự đồng tình của người dân, cây mắc ca sẽ tiếp tục phát triển tốt và trở thành cây xóa nghèo cho người dân trên địa bàn xã.
Tính đến cuối năm 2024, diện tích trồng mắc ca ở xã Quài Nưa đã tăng lên trên 1.000 ha, đạt 129% so với kế hoạch đề ra. Năm 2025, nhiều bản trong xã tiếp tục đăng ký trồng mới cây mắc ca thêm gần 100 ha, với trên 26.000 cây. Thành công này cho thấy sự quyết tâm của chính quyền và người dân trong việc đưa mắc ca trở thành cây trồng chủ lực. Năm 2025, với kế hoạch trồng mới gần 100 ha, tương ứng hơn 26.000 cây, phong trào phát triển mắc ca dự kiến sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca, khâu chế biến và kinh doanh sản phẩm từ loại cây này đã trở thành một hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Những sản phẩm chế biến như hạt mắc ca sấy khô, nhân tách vỏ hay tinh dầu hạt mắc ca,… đã góp phần gia tăng giá trị nông sản, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn quốc tế. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại Tuần Giáo đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại như máy sấy, máy cắt vỏ, máy dập nắp, máy ép dầu… để chế biến mắc ca thành phẩm.
Chị Doãn Thị Thoa, chủ Cơ sở chế biến mắc ca Thoa Doãn (huyện Tuần Giáo) cho biết, trung bình mỗi vụ thu hoạch, chị sẽ thu mua từ 80 -100 tấn quả tươi từ các hộ trồng mắc ca trên địa bàn huyện. Trải qua quá trình phơi, sấy, cắt vỏ, mỗi kg hạt mắc ca sấy khô có giá bán ra thị trường từ 500.000 – 1 triệu đồng, khẳng định giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển bền vững của loại cây này.
Hoạt động chế biến không chỉ giúp nâng cao thu nhập từ cây mắc ca mà còn tạo ra việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Các công đoạn như sấy, phân loại, và đóng gói sản phẩm mang lại cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình và cơ sở nhỏ lẻ. Nhờ đó, thu nhập của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Mức thu nhập này phần nào giúp nhiều lao động trên địa bàn huyện Tuần Giáo thoát khỏi cảnh thu nhập bấp bênh khi canh tác ngô, sắn trên những mảnh đất bạc màu.
Theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh Điện Biên phấn đấu đạt 90.000 ha mắc ca vào năm 2030. Tỉnh cũng xác định đưa mắc ca trở thành một trong những cây nông nghiệp chủ đạo góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và chế biến mắc ca để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên. Nhiều địa phương trong tỉnh như: Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ đã triển khai trồng mắc ca với quy mô lớn. Các địa phương cũng đã liên kết với các doanh nghiệp như Tập đoàn TH để phát triển cây mắc ca. Sản phẩm từ mắc ca Điện Biên hiện nay đã được bán tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành trong cả nước. Cây mắc ca đã tạo ra sự thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đang định hướng phát triển cây mắc ca theo quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch 3 loại rừng. Trong đó tận dụng diện tích đất trống, đồi trọc, đất kém hiệu quả sang trồng mắc ca. Cây mắc ca là cây đa mục đích, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa cho quả. Đây cũng là loại cây được chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán được tín chỉ carbon.
Hơn một thập kỷ có mặt trên mảnh đất Điện Biên, mắc ca giờ đây không còn là loại cây xa lạ, khiến người nông dân nơi đây vừa trồng vừa lo. Thay vào đó, người dân vừa trồng vừa mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong những năm tới, những cánh rừng mắc ca xanh tươi không chỉ làm thay đổi cảnh quan của vùng đất Điện Biên mà còn mở ra cánh cửa thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho người dân nơi đây.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu