Chanh dây đã giúp nhiều hộ dân vùng khó của tỉnh Gia Lai thoát nghèo. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh cũng từng khiến nhiều nhà vườn “vỡ mộng” về loại cây này.
Giá chanh dây tăng trở lại
Có thời điểm, chanh dây từng được coi là loại cây chủ lực ở tỉnh Gia Lai, vượt mặt cà phê, hồ tiêu bởi chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Nhờ chanh dây mà nhiều hộ dân ở tỉnh Gia Lai đã thoát được nghèo, vươn lên cuộc sống khá giả.
Sức hút từ chanh dây đã khiến nhà nhà trồng chanh dây, diện tích tăng lên một cách ồ ạt dẫn đến “vỡ trận”, cung nhiều hơn cầu khiến giá chanh dây rớt thê thảm.
Thậm chí, đến vụ thu hoạch, sản phẩm bán ra, không đủ để trả tiền nhân công thu hái, các nhà vườn bất lực để vườn cây hoang hoá.
Đỉnh điểm của sự thành công trên vưn chanh dây là vào đầu năm 2023, khi giá chanh dây tăng cao ngất ngưởng lên gần 20.000 đồng/kg.
Anh Đinh Xuân Kháng (thôn 1, xã Ia Hrung huyện Ia Grai) vẫn không thể quên cái thời hoàng kim, thương lái ào ạt đến thu mua chanh dây. Có những ngày, chỉ với hơn 3ha của mấy anh em mà xe tải hàng chục tấn chở không hết. Mỗi ngày, riêng gia đình thu về không dưới 10 triệu đồng từ bán chanh dây.
Anh Kháng cho biết, chanh dây ‘vỡ trận’ cùng với việc giá cà phê ngày càng lên cao làm cho người dân không còn đủ niềm tin “đặt cược” vào cây chanh dây như trước nữa.
Giờ có chăng, người dân chỉ thực hiện trồng xen chanh dây trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài, giảm thiểu rủi ro.
“Đối với gia đình tôi, do có duyên với chanh dây nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuống giống trồng 8 sào, với hy vọng loại cây này sẽ trở lại thời hoàng kim sau thời gian mất niềm tin”, anh Kháng nói.
Cũng theo anh Kháng, gần đây, giá chanh dây bắt đầu tăng lên. Trước thông tin chanh dây Việt Nam có thể sắp được xuất sang thị trường Mỹ, khiến giá chanh dây tiếp tục tăng lên từng ngày.
Các nhà vườn tại Gia Lai phấn khởi đua nhau xuống giống, kỳ vọng chanh dây phố núi sẽ có cơ hội xuất sang thị trường Mỹ thành công.
Dạo một vòng quanh các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dọc ngang các tuyến đường vào rẫy đâu đâu cũng là những giàn chanh dây xanh mướt, trĩu quả. Chúng tôi dừng chân tại huyện Ia Grai, nơi từng được coi là “thủ phủ” chanh dây của tỉnh Gia Lai.
Vườn chanh dây xanh mướt, chi chít quả của vợ chồng anh Trần Văn Hanh (ngụ xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đang vào mùa cho thu hoạch.
Khuôn mặt rạng ngời, anh Hanh chia sẻ: “Thương vụ chanh dây năm nay được mùa, được giá, khiến người trồng chanh dây rất vui mừng. Tôi cũng mong giá chanh dây không lên xuống thất thường nữa, người dân yên tâm gắn bó lâu dài với loại cây này.
Hiện, gia đình tôi đang chăm sóc vườn chanh dây 1,7ha. Với giá thị trường như bây giờ khoảng 12 nghìn đồng/ kg, trừ chi phí cũng lãi được 300 đến 400 triệu đồng”.
Ông Lê Văn Minh (trú tại thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ) chia sẻ, thấy nhiều gia đình trong vùng có nguồn thu nhập cao từ trồng chanh dây, năm 2023, ông Minh quyết định trồng loại cây này.
Sau khi cải tạo 2ha đất, gia đình ông đầu tư kinh phí làm đất, làm giàn và mua giống chanh dây về trồng. Hiện, gia đình ông đang thu hoạch vụ chanh dây th 3 với sản lượng từ 50-90 tấn/ vụ.
“Trong 2 vụ trước, gia đình tôi thu từ chanh dây hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn 500-600 triệu đồng. Còn vụ năm nay, gia đình đã thu được 40 tấn quả, bán với giá từ 14 đến 45 ngàn đồng/kg tùy theo loại”, ông Minh vui mừng nói.
Hướng đi bền vững
Trao đổi với PV, ông Trịnh Lập Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Sau một thời gian rớt giá, nay giá chanh dây dần ổn định trở lại.
Chính vì vậy, người dân các huyện lân cận huyện Mang Yang, bắt đầu tăng diện tích gieo trồng. Nhà máy mỗi ngày thu gom của bà con trên 50 tấn chanh dây với giá 12 – 45 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại. Với giá như hiện nay người trồng chanh dây sẽ có lãi”.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Pht triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết: “Chanh dây là loại cây rất rủi ro. Bởi giá cả lên xuống thất thường, có thời điểm 20 nghìn đồng/ kg nhưng có thời điểm chỉ 2 nghìn đồng/ kg.
Những hộ nào may mắn thời điểm thu hoạch giá cao có lợi nhuận, nhưng có những hộ “vỡ mộng” vì đầu tư hàng chục ha, khi vào vụ giá rớt đáy người dân không màng thu hoạch”.
Theo ông Thắm, để cây chanh dây phát triển bền vững, tránh rủi ro cho người dân, vừa qua huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên thực hiện chương trình “Đồng hành cùng nông dân trồng chanh dây” nhằm nâng cao sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện.
Qua đó, Công ty Nafoods Tây Nguyên trực tiếp liên kết với các hộ dân, cung cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý. Trên địa bàn huyện hiện có 900ha chanh dây. Với hướng liên kết trong sản xuất ngưi dân tránh được rủi ro, yên tâm sản xuất.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thn huyện Mang Yang cho biết: “Trước điệp khúc, được mùa mất giá, khiến không ít hộ dân thua lỗ. Vừa qua, để phát triển bền vững loại cây chanh dây tại địa phương, tránh rủi ro cho người dân, huyện đã thành lập Hợp tác xã liên kết với Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Đơn vị này, cam kết, hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho người dân với giá cả ổn định người dân cũng yên tâm sản xuất”.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu