Với tâm huyết cũng như khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình – Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (sinh năm 1992) người con gái Mường ở vùng đất Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và phát triển “thịt chua Thanh Sơn – Phú Thọ” là một sản phẩm được nhiều người dân trên cả nước biết đến với cái tên “thịt chua Trường Foods”.
18 tuổi quyết định khởi nghiệp từ 4 triệu đồng
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thanh Sơn, Phú Thọ, chị Thu Hoa sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã có lựa chọn hoàn toàn khác với bạn bè cùng trang lứa. Thay vì học cao lên, chị Hoa quyết định kết hôn khi vừa tròn 18 tuổi. Còn quá trẻ nhưng đã có gia đình, cô gái người Mường phải đối mặt với những áp lực nhất định về kinh tế và mong muốn tìm một công việc để trang trải, kiếm sống.
Những ngày ở nhà chồng, chị được mẹ chồng truyền nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình, cùng vi 2 chị em dâu khác. Có trong mơ cô gái cũng không nghĩ rằng, đây là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời mình.
Theo lời kể của chị Hoa, thời điểm đó thịt chua vẫn chưa thịnh hành như bây giờ, mỗi ngày gia đình chị làm chừng 30 – 40 hộp là cao điểm, để bán lẻ cho bà con trong xóm. Và khu vực H.Thanh Sơn (Phú Thọ), nơi gia đình chị sống những ngày tháng đó chỉ chừng 4 – 5 nhà sản xuất thịt chua, không nhiều.
“Lúc đó, thịt chua ở nhà mình chưa có thương hiệu mấy, một số nhà khác thì nổi tiếng, có thương hiệu hơn. Cha mẹ chồng truyền nghề cho chị em chúng tôi cốt là để các con cái có nghề mưu sinh, có thể kiếm vài trăm nghìn duy trì cho cuộc sống hằng ngày”, chị Hoa bộc bạch.
Có vốn là kiến thức được truyền lại cộng với 4 triệu đồng vay từ mẹ, chị Hoa bắt đầu thực hiện tưởng khởi nghiệp, dành 2 năm để nghiên cứu công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, đồng thời nâng thời gian bảo quản lên 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh.
Để biến một món ăn đặc sản trở thành sản phẩm có thể bán đại trà, thời gian đầu, chị Hoa gặp vô vàn khó khăn. Bởi khi ấy, thịt chua chưa được phổ biến như hiện tại, chỉ có vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Mỗi ngày, cô chỉ sản xuất trung bình từ 50 – 60 hộp vì chỉ có người dân Thanh Sơn (Phú Thọ) và các huyện lân cận mới biết đến thịt chua.
Cô gái người Mường cho biết thêm, làm thịt chua không có công thức cụ thể, chỉ được áng bằng “1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc” nên chất lượng không được đồng đều lúc đậm, lúc nhạt. Vì thế, cô đã phải nhiều lần thử nghiệm sản phẩm, đổ đi không biết bao nhiêu thịt, thậm chí số thịt đổ đi bằng cả một năm lợi nhuận.
Mãi đến năm 2012, cô gái trẻ mới tìm ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà vẫn giữ đúng hương vị đặc trưng của sản phẩm. Sau khi cải tiến chất lượng sản phẩm, sản lượng sản xuất tăng lên gấp 3 – 4 lần, sản lượng trung bình 200 hộp/ngày.
Trong quá trình tm tòi, mày mò ấy, chị Hoa đã đổ không biết bao nhiêu thịt xuống sông. Thậm chí, chị cũng phải đối diện với những lời bàn tán của người xung quanh.
Chị Hoa tâm sự: “Thậm chí, mỗi lần làm thịt hỏng mình cho cô hàng xóm mang về cho gà mà cô còn chán không muốn lấy”. Đã có những lúc chị Hoa muốn bỏ cuộc, muốn dừng lại, nhưng nhìn gia đình, nhìn các con, chị lại thấy có động lực để cố gắng. Gia đình với chị vừa là động lực cố gắng, vừa là điểm tựa để dựa vào mỗi khi gặp khó khăn.
Ăn nên làm ra, năm 2015, thương hiệu thịt chua Trường Foods (trụ sở chính tại Phú Thọ) do chính chị làm CEO ra đời, mang theo hy vọng của cô gái Mường về một thương hiệu thịt chua trường tồn, bền vững và uy tín trên thị trường.
Tự đặt ra trách nhiệm với quê hương, với sản phẩm thịt chua
Sau nhiều nỗ lực, thương hiệu thịt chua của chị Hoa đã có mặt tại rất nhiều tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của chị Hoa đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho hơn 100 nhân sự tại địa phương, có văn phòng đại diện tại 3 miền đất nước. Công ty có 8.118 điểm bán hàng trên toàn quốc với hơn 2,5 triệu sản phẩm được bán ra thị trường trong năm 2022, thu về 52 tỷ đồng.
Cô gái Mường vui mừng cho biết, năm 2022 thịt chua Trường Foods đã vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sau đó một năm, nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng cơ sở sản xuất, công ty Trường Foods đã xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 10,000 m2 ở huyện Thanh Sơn với đủ các phòng sản xuất khác nhau, từ phòng thịt chín đến phòng thịt sống. Nhà máy đi vào hoạt động để đảm bảo tất cả các khâu sản xuất thịt chua của Trường Foods đều được tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, đến khâu cuối cùng là đóng hộp hoàn thiện của sản phẩm.
Chị Hoa cho rằng, để có được thành công như hôm nay, một phần đóng góp không nhỏ chính là đội ngũ công nhân, người lao động. Chị bảo, có nhiều công nhân gắn bó từ khi xưởng mới thành lập, đến nay đã 12 năm. Với chị, cũng đã phải hy sinh không ít. Có thời điểm nhiều ngày liên tục chị chỉ ngủ từ 2 đến 3 tiếng, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. “Nhiều lúc tủi thân, tôi nghĩ hay là mình cứ buông bỏ hết nhẹ nhàng về chăm lo cho gia đình như bao người phụ nữ khác”, chị Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, ý nghĩ ấy chỉ hiện lên một giây thoáng qua lại bị chị dập tắt. Bởi thời điểm này, chị không chỉ lo cho gia đình, mà là trách nhiệm để lo cho cuộc sống tất cả những lao động tại doanh nghiệp. Chị cũng tự đặt ra trách nhiệm của mình với quê hương, với lời hứa đưa đặc sản Thịt chua đến mọi miền tổ quốc và xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh tăng trưởng nhanh chóng về doanh thu, doanh nghiệp của chị Hoa cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 100 nhân viên, cộng tác viên trên cả nước. CEO Thu Hoa cho rằng, trở ngại lớn nhất của mỗi doanh nghiệp là sự đổi mới về con người.
“Doanh nghiệp của tôi đợc như ngày hôm nay là thành quả của việc “dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi” của toàn bộ công nhân viên. Tôi luôn ủng hộ, khuyến khích các bạn nhân viên thay đổi, cập nhật những điều mới, bứt phá và đưa sản phẩm thịt chua vươn xa hơn”, cô gái sinh năm 1992 nói.
Trong quá trình không ngừng làm rồi học, học rồi làm, chị Hoa vô cùng tâm đắc câu nói: “Trường học cho ta bài học rồi mới bắt ta làm bài kiểm tra, còn trường đời cho ta làm bài kiểm tra rồi mới cho ta bài học”.
Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam tiêu biểu có độ tuổi dưới 35. Ngoài những tiêu chuẩn chung, trong lĩnh vực kinh doanh, người được đề cử trong lĩnh vực kinh doanh phi đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể kèm theo: Có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao; có hành động, việc làm cụ thể giúp đỡ các thanh niên khác lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm cho nhiều ngưởi trong xã hội và cộng đồng…
Với những thành công đã đạt được, nữ doanh nhân người Mường vinh dự là 1 trong 2 cá nhân được đề cử trong lĩnh vực kinh doanh – khởi nghiệp, nằm trong Top 20 đề cử của giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023”.
“Việc được nhận bằng khen của Thủ tướng làm tôi thấy sự nỗ lực, cống hiến tuổi thanh xuân của mình đã được ghi nhận. Một phần nào đó công việc mình làm đã tạo ra được nhiều công ăn, việc làm cho người dân địa phương, cho các đại lý và nhà phân phối. Nghĩ đến điều này mỗi ngày là động lực để tôi luôn cố gắng hơn nữa”, CEO Thu Hoa chia sẻ.
Không chỉ đưa đặc sản thịt chua Phú Thọ đến mọi miền đất nước, chủ thương hiệu thịt chua Trường Foods đã có những đóng góp cho chính quê hương của mình, giúp xây dựng huyện Thanh Sơn ngày càng phát triển hơn.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu