Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy ra 1.538 ổ dịch, xảy ra tại 48 tỉnh, thành phố làm 88.258 con lợn bị chết và tiêu hủy.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi- Ảnh 1.

Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất, thương mại thành công 2 loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật để phòng, chống dịch bệnh này; đặc biệt tham mưu trình Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 – 2025; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 6/11/2024 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) tổ chức “Hội thảo quốc tế về bệnh dịch tả lợn châu Phi trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 4”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay tổng đàn lợn tại Việt Nam đạt trên 30 triệu con, lớn thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức; trong đó có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đặc biệt, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất, thương mại thành công 2 loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty NAVETCO và Công ty AVAC. Những vaccine này đang được sử dụng tại Việt Nam và xuất khẩu tại một số quốc gia, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến nay, Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi. Tại các địa phương đã từng có dịch bệnh rất nghiêm trọng như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh… nhưng sau 1-2 tháng sử dụng vaccine, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế tốt. Qua đó cho thấy, việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất quan trọng và cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, cách đây khoảng 3 tuần, Philippines đã chính thức cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi vào trong chiến lược phòng chống bệnh này. Trước khi có quyết định này, cơ quan chức năng của Philippines cũng đã có những đánh giá rất thận trọng trong gần 2 năm mới quyết định cấp phép và cho phép sử dụng.

Qua đó cho thấy, vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về khoa học kỹ thuật; phù hợp với các quy định quốc tế về sản xuất vaccine, trong đó có quy định của Tổ chức Thú y Thế giới; quy định của nước nhập khẩu (Philippines).

Hiện WOAH và FAO đang phối hợp với Việt Nam để tiến hành đánh giá việc sử dụng vaccine trên toàn lãnh thổ Việt Nam cũng như các nước trong khu vực là Philippines. Hiện nay, trên thế giới bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; riêng khu vực Đông Nam Á có 9 quốc gia.

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (26-28/11), các đại biểu thông tin về tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn cầu; vai trò của các tổ chức quốc tế, trong đó Tổ chức Thú y Thế giới cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc kiểm soát bệnh này. Các đại biểu cũng bàn thảo chiến lược về kiểm soát bệnh này cho đến năm 2030. Qua đây, các nước cũng sẽ nâng cao việc hợp tác, trao đổi thông tin và hợp tác quốc tế trong kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các đại biểu cũng đánh giá tiến triển phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là liên quan đến nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi củaViệt Nam và Philippines.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cho ông Ronello Casio Abila, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) khu vực Đông Nam Á với những cống hiến không ngừng của ông cho ngành thú y của Việt Nam.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu