Từ mô hình trồng loại cây “siêu sạch”, chị nông dân Châu Thị Nương (An Giang) có thu nhập ổn định với gần 1 tỷ đồng/năm và tạo cơ hội việc làm cho hơn 40 phụ nữ nông thôn trên địa bàn.
Chị nông dân tâm huyết với sản phẩm sạchDẫn chúng tôi tham quan trại trồng nấm rộng 3 ha, chị nông dân Châu Thị Nương chia sẻ tâm huyết với nghề này.
Với mong muốn hướng đến sự phát triển bền vững, hình thành chuỗi liên kết với nông dân, chị mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất để cung ứng cho thị trường sản phẩm đạt yêu cầu.
Chị Nương kể, trước đây chị có nhiều năm trồng lúa, nhưng lợi nhuận không cao do điệp khúc “được mùa, mất giá”.
Từ đó, chị ấp ủ dự định chuyển đổi mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị quyết định chọn trồng nấm mối đen.
Từ trồng lúa chuyển sang trồng nấm mối đen, chị nông dân kiên trì mày mò nghiên cứu, học tập từ các giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng, dây chuyền sản xuất phôi nấm…
Thời điểm mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, máy móc thiết bị thiếu nên nấm nhiễm bệnh phải đem b đi…
Kiên trì học hỏi và khắc phục dần dần, năng suất nấm tăng qua mỗi vụ, chị Nương mạnh dạn mở rộng trại nấm lên diện tích 3 ha.
Chị nông dân Châu Thị Nương cho hay, tất cả nguyên liệu sử dụng làm phôi nấm hoàn toàn hữu cơ. Ngoài rơm rạ được băm nhuyễn, chỉ sử dụng cám gạo, cám bắp. Tất cả đều được kiểm tra đầu vào nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Theo chị Nương, nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín. Từ lúc trồng đến thu hoạch gần 4 tháng và có thể hái nấm mỗi ngày.
Dù vậy, người dân phải canh hái đúng thời điểm thu hoạch, chọn thời điểm nấm mang dược tính cao nhất và dinh dưỡng nhiều nhất. Nếu nấm còn quá non sẽ mất năng suất, còn quá già lại ăn không ngon và năng suất không cao.
“Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ. Nhờ đó giúp người trồng quay vòng nguồn vốn nhanh và có thể tạm ngừng sản xuất khi thời tiết không thuận lợi để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất”, chị Nương chia sẻ.
Thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ KhmerNấm mối được trồng theo quy trình khép kín, không sử dụng phân thuốc hóa học nên có vị thơm ngon, ngọt, giòn hấp dẫn.
Đặc biệt, loại nấm này là nấm ngọt, có thể thay thế bột ngọt trong chế biến thức ăn. Nấm dùng chế biến các món cháo, lẩu, chiên bột, kho tiêu, xào, nướng…
Hiện nay, cơ sở sản xuất nấm của chị Nương tạo việc làm cho hơn 40 lao động nữ, chủ yếu là dân tộc Khmer ở H.Tri Tôn và TX.Tịnh Biên.
“Làm việc tại cơ sở đa số là chị em người Kh’mer. Trước đây, hầu hết họ đều có cuộc sống khó khăn, nhưng hiện có việc làm cùng với thu nhập ổn định tại trại nấm nên họ có điều kiện trang trải chi phí gia đình, lo việc học cho con cái”, chị Nương cho biết.
Ngoài nấm mối đen là chủ lực, chị Nương còn trồng thêm nấm bào ngư, nấm linh chi tai to, đông trùng hạ thảo… nhằm đa dạng sản phẩm.
Trung bình mỗi tháng, trại nấm của chị thu hoạch khoảng 5 – 6 tấn các loại. Nhờ đó, chị có thu nhập 900 triệu đồng- 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, chị Nương còn cung cấp phôi nấm kết hợp chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên nấm được thị trường ưa chuộng, xuất bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Thời gian tới, chị dự định mở rộng quy mô trồng nấm, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng và áp dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá, đưa sản phẩm vươn xa hơn, không chỉ thị trường trong nước mà còn ngoài nước.
Thành công với mô hình trồng nấm, năm 2023, chị Châu Thị Nương vinh dự đoạt giải “Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất” cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam. Cuộc thi góp phần vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu