Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà

Với chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã triển khai mô hình điểm “thôn thông minh” bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà 1

Để về đích NTM kiểu mẫu, xã Phúc Hòa đã hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 “thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Trong đó, “thôn thông minh” đáp ứng các tiêu chí: tỷ lệ người dân sử dụng định danh điện tử ≥25%; có ít nhất 1 mô hình sản xuất ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh (áp dụng một trong các công nghệ: công nghệ tưới nhỏ giọt ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động; sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; kết nối IoT…) hoặc mô hình triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử.

Là địa bàn đầu tiên của xã Phúc Hòa được chọn xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, sau một khoảng thời gian triển khai xây dựng, thôn Lân Thịnh đã được “số hóa” thực tế.

Tại thôn Lân Thịnh hiện có 199 hộ với 689 nhân khẩu, tổng số người từ đủ 14 tuổi trở lên làm căn cước công dân là 481 người. Sau một thời gian thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD; kích hoạt tài khoản định danh điện tử, số công dân đã thu nhận kích hoạt định danh điện tử là 481/689 người, đạt 69,9% so với tổng dân số toàn thôn. UBND xã Phúc Hòa đã chỉ đạo việc cấp định danh điện tử cho 100% công dân thôn Lân Thịnh thời gian chậm nhất 31/12/2024.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân trong thôn Lân Thịnh dùng định danh điện tử để giao dịch trên môi trường mạng như mua bán, khám bệnh, tra cứu thông tin cũng đạt tiêu chí với 481/689 người, tỷ lệ là 69,8%, vượt chỉ tiêu 49,8%.

Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà 2
Nhờ công nghệ điều khiển tưới thông minh, gia đình ông Long đạt năng suất vượt trội

Trong xây dựng thôn NTM thông minh, thôn Lân Thịnh xã Phúc Hòa cũng đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện nay thôn Lân Thịnh có mô hình trồng vải, ổi tại gia đình ông Trần Đình Long với diện tích 1,5 ha, trong đó diện tích ổi là 0,8 ha, diện tích vải là 0,7 ha áp dụng công nghệ tưới phun mưa theo công nghệ điều khiển tưới từ xa. Nhờ áp dụng tưới phun mưa mà gia đình đã tiết kiệm nhiều nhân lực, không mất công đi điều chỉnh các khu cần tưới và có thể chủ động bật tắt hệ thống tưới từ xa.

Chia sẻ với phóng viên, ông Long cho biết: “khi áp dụng công nghệ tưới tự động này hiệu suất sử dụng phân bón đạt 50 – 60%, so với phương pháp thông thường là 40 – 45% (tăng lên từ 10 – 15%) do độ ẩm đều hơn, phân bón ngấm dần không bị bay hơi khi nắng nóng, không bị rửa trôi khi tưới quá mạnh hoặc mưa quá to”.

Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà 3
Bộ bảng điều khiển hệ thống tưới thông minh giúp người dân chủ động trong mọi tình huống

Kể từ khi áp dụng công nghệ tưới tự động thông minh mà gia đình ông Long đã khắc phục được những khó khăn do thời tiết gây ra. Vụ vải năm 2023 – 2024 có điều kiện khí hậu bất thuận, có những thời điểm nắng nóng nhiệt độ lên 30 độ C trái ngược với điều kiện thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí trung bình đạt 70 – 80% mà cây vải sớm cần trong giai đoạn ra hoa, gia đình ông Long vẫn chủ động được nước và tưới được nên tỷ lệ ra hoa vẫn được đảm bảo 80% trong khi tỷ lệ đậu hoa đậu quả chung trên địa bàn xã chỉ đạt 50%.

Cùng với hiệu suất sử dụng phân bón tăng, tỷ lệ đậu hoa đậu quả của hộ cao nên vụ vải năm 2023 – 2024 của hộ ông Trần Đình Long đạt 10 tấn /0,7 ha với giá bán 40.000đ/kg cho doanh thu 400 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế được nâng cao so với vụ vải năm 2022 – 2023, gia đình chỉ đạt 6 tấn/0,7ha với giá bán 20.000 đồng/kg giá trị thu được là 120 triệu đồng.

Đối với diện tích trồng ổi của gia đình cũng đạt được hiệu quả cao khi sử dụng công nghệ tưới thông minh. Vụ ổi năm 2023 – 2024 gia đình thu được 50 tấn quả với giá bán bình quân 22.000đ/kg, giá trị thu được 1,1 tỷ đồng. Giá trị kinh tế từ cây ổi của gia đình tăng so với mùa vụ năm 2022 – 2023 chỉ thu được 40 tn quả với giá bán 20.000đ/kg, giá trị thu được 800 triệu đồng. Theo đó, tổng hiệu quả kinh tế từ vải và ổi của gia đình ông Trần Đình Long khi áp dụng mô hình tưới thông minh trong mùa vụ 2023 – 2024 tăng lên 580 triệu đồng so với mùa vụ 2022 – 2023.

Trong năm 2023, tổ hợp tác sản xuất vải thôn Lân Thịnh cũng đang triển khai mô hình “Nâng cao chất lượng vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Lân Thịnh năm 2024’’ với diện tích 10 ha, bao gồm 16 thành viên tham gia. Mô hình nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, từ đó làm cơ sở tuyên truyền, nhân rộng quy mô, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trong những năm tiếp theo.

Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà 4
Xây dựng khu sản xuất vải xuất khẩu tại thôn NTM thông minh và mã QR

Theo đó, các hộ trong mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã được gắn mã QR đến từng hộ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc gắn mã QR trực tiếp đến từng vườn giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra, giám sát được quá trình từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch của người nông dân, tạo nên uy tín và thương hiệu của sản phẩm, đồng thời việc gắn mã QR cũng là một phương thức để người nông dân quản lý, theo dõi quá trình sản xuất của gia đình từ đó đúc rút kinh nghiệm trong xử lý các tình huống thời tiết bất lợi qua từng năm, nâng cao kỹ thuật canh tác của người dân. Đây cũng sẽ là tiền đề, cơ sở cho việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp từ thôn Lân Thịnh nói riêng và xã Phúc Hòa nói chung.

Những hiệu quả bước đầu từ mô hình điểm “thôn thông minh” đang được triển khai với thôn Lân Thịnh sẽ là động lực trong xây dựng NTM hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, NTM thông minh đồng thời là hướng đi của xã Phúc Hòa để từ đó làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn một cách hiệu quả và bền vững, để mọi tiện ích của chuyển đổi số đều là dân làm, dân hưởng thụ.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu