Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển

Sau khoảng 20 năm phát triển, nghề nuôi cá lồng bè ở các xã ven biển, đảo ở Kiên Giang đã giúp cho hàng nghìn hộ vươn lên khá, giàu, không ngừng tăng về quy mô, số lượng và đã trở thành một trong những ngành thế mạnh của các địa phương này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.

Chú thích ảnh
Nông dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nuôi cá lồng bè.

Người nuôi đối mặt với nhiều cái khó

Là một trong những hộ tiên phong với nghề nuôi cá lồng bè ở xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Xẻo, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt cho biết, hợp tác xã hiện có 10 thành viên, thả nuôi hơn 70 lồng với nhiều loại cá. Trong số đó chủ yếu là cá mú trân châu, cá bớp, cá quỵt, cá hồng vỹ, cá chim vây vàng. Riêng gia đình ông Xẻo thả nuôi 6 lồng với 3 loại là cá quỵt, cá mú trân châu và cá bớp.

Ông Xẻo cũng cho hay, hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi cá lồng bè từ đầu năm 2024 đến nay của gia đình ông cũng như các thành viên trong hợp tác xã và hầu hết những người nuôi cá lồng bè ở xã Lại Sơn giảm thấy rõ. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cá thương phẩm giảm mạnh từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay và duy trì ở mức rất thấp so với năm 2023 và nhiều năm trước đó.

Cụ thể, cá bớp thương phẩm cỡ nhất giá chỉ 150.000 đồng/kg, cá quỵt 170.000 đồng/kg, cá mú trân châu 130.000 đồng/kg. Giá cá này giảm khoảng 40% so với năm 2023 và những năm trước đó. Các thương lái lý giải nguyên nhân sụt giảm mạnh là do không liên kết cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang nước ngoài, chỉ cung ứng cho các vựa bán lẻ ở chợ, hoặc các nhà hàng, quán ăn nên đầu ra hạn chế.

Không chỉ khó khăn về giá, hiệu quả nuôi trong vòng 1-2 năm trở lại đây cũng giảm do tỷ lệ cá nuôi thường bị hao hụt nhiều vì nhiễm bệnh. “Chúng tôi không rõ nguyên nhân, nhưng theo kinh nghiệm hơn 15 năm nuôi của tôi thì rất có khả năng do chất lượng con giống và nguồn nước không đảm bảo. Cá nuôi thường chết do phù mắt, bị ghẻ, lở do nhiễm trùng. Nếu như những năm trước tỷ lệ cá thả nuôi đạt từ 70-80% thì trong năm 2024, tỷ lệ nuôi đến thu hoạch chỉ đạt khoảng 50-60%”, ông Xẻo nói.

Ông Nguyễn Nhật Trường, ngư dân chuyên sống bằng nghề nuôi cá lồng bè ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải cho biết, năm 2024 gia đình duy trì số lượng thả nuôi hơn 6.000 con cá giống với 3 loại cá gồm cá mú trân châu, cá bớp và cá quỵt. Đến nay, gia đình đã thu hoạch bán hơn 70% số lượng cá thương phẩm và hiện còn khoảng 2.000 con cá đã đến lứa thu hoạch, nhưng gia đình chưa xuất bán vì khó tìm được thương lái đến thu mua và hiện giá cá đang rất thấp.

Ông Trường cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay đầu ra cho các loại cá thương phẩm gặp khó do thương lái không mặn mà trong việc thu mua cá của ngư dân. Lý do họ đưa ra là do chuỗi cung ứng hạn chế đặt hàng, cùng với đó, do số lượng cá thu hoạch ở xã đảo không nhiều trong khi phải bỏ đường xa đến thu mua tốn nhiều chi phí nhân công, nhiên liệu.

So với năm 2023, giá cá bớp giảm hơn 100.000 đồng/kg, cá mú trân châu giảm hơn 70.000 đồng/kg, cá quỵt giảm 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá mồi (cá tạp được người nuôi thu mua của các tàu khai thác làm thức ăn cho cá nuôi) vẫn ở mức 7.000-8.000 đồng/kg nên người nuôi có lời rất thấp, thậm chí nếu tỷ lệ cá nuôi đạt không cao có thể bị hòa hoặc lỗ vốn.

“Để giúp cho nghề nuôi cá lồng bè bền vững, tôi rất mong ngành chuyên môn có cơ chế chính sách thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư lồng bè HDPE cho người nuôi và cung ứng con giống chất lượng gắn với hợp đồng bao tiêu đầu ra với một mức giá sàn để giúp nghề nuôi phát triển bền vững. Thời gian qua một số ngư dân được hỗ trợ lồng bè HDPE nuôi thử nghiệm cho thấy tỷ lệ cá nuôi đạt khá cao, cá mau lớn, tuy nhiên, chi phí đầu tư cao nên người dân không mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi này”, ông Trường nói.

Chú thích ảnh
Nông dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nuôi cá lồng bè. 

Đẩy mạnh liên kết hỗ trợ người nuôi

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, năm 2024 ngành đề ra kế hoạch nuôi cá lồng bè với quy mô 4.000 lồng, sản lượng 4.400 tấn, đến ngày 15/11 sản lượng nuôi hơn 3.700 tấn, đạt hơn 90% kế hoạch. Tình hình nuôi cá lồng bè cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, một số lồng bè bị thiệt hại, ảnh hưởng nhưng số lượng không đảng kể. Về giá cá thương phẩm thấp hơn so với những năm trước.

Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang Phù Vĩnh Thái cho biết, từ năm 2022 đến nay ngành đã xây dựng 18 mô hình trình diễn chuyển đổi từ lồng bè gỗ sang lồng bè nhựa HDPE 18 lồng, hiệu quả kỹ thuật, kinh tế tăng, giảm rủi ro cho người nuôi.

Thời gian qua ngành chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đồng thời rà soát các cơ chế chính sách để thực hiện hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang lồng bè nhựa HDPE. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp trong việc cung cấp lồng bè nhựa HDPE, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo để doanh nghiệp và người dân gặp gỡ, trao đổi và doanh nghiệp cũng đã có những cam kết hỗ trợ người dân trả chậm, giảm giá cho người dân sử dụng lồng bè nhựa để nuôi.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát bố trí khu vực vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch không gian biển đảm bảo không chồng lấn và hài hòa phát triển đối với một số ngành nghề, lĩnh vực khác; cấp mã số nhận diện cơ sở, lồng bè nuôi để phục vụ cho quản lý, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư nuôi biển đối với các lĩnh vực còn hạn chế như sản xuất con giống, nhà máy tiêu thụ chế biến sản phẩm tại tỉnh; khuyến khích người dân tổ chức sản xuất theo hướng liên kết bền vững để tạo sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè”, ông Thái cho hay.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu