Từ niềm đam mê với cây chè, sau thời gian ngược xuôi đi thu mua chè búp tại nhiều tỉnh, thành phố, ông Bàn Văn Dương, dân tộc Dao, tại thôn 5, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định khởi nghiệp làm chè tại chính quê hương mình.
Vượt qua nhiều khó khăn, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và đưa nhiều sản phẩm chè búp Tân Thành vào các cửa hàng tiện lợi, gian hàng giới thiệu sản phẩm và nhiều siêu thị trên cả nước.
Hành trình xây dựng thương hiệu
Theo ông Bàn Văn Dương, năm 2012, ông bắt đầu làm nghề chè và đi hầu hết các vùng trồng chè ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên… để thu gom, bán cho các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Quảng Trị. Đi nhiều nơi, ông Dương nhận thấy để tìm được nguồn chè sạch, chè ngon không hề đơn giản.
Thời điểm ấy, chè ở Tân Thành thơm ngon, đậm vị, nhưng chưa có “tiếng” trên thị trường. Với kinh nghiệm giao hàng và thị trường ổn định, năm 2013, ông Dương quyết định thành lập Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 và đảm nhận vai trò giám đốc. Đây cũng là hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đầu tiên của xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.
Hiện tại, hợp tác xã đang liên kết cùng trên 50 hộ dân với tổng diện tích trên 30 ha. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương, để tạo ra sản phẩm chè có chất lượng, tư duy canh tác cây chè của người dân phải thay đổi. Do vậy, ông đã mở các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn cho người nông dân, thành lập các tổ sản xuất để thuận lợi trong quản lý và theo dõi. Đồng thời, cung ứng các loại phân bón, chế phẩm sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP…, đảm bảo cây chè được chăm sóc đúng kỹ thuật, có chất lượng và hương vị ổn định.
Ông Ninh Văn Tuyên, Tổ phó tổ chè VietGAP, Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 chia sẻ, tổ hiện có 30 thành viên với trên 16 ha chè. Mỗi năm các thành viên trong tổ sử dụng trên 40 tấn phân bón, chế phẩm sinh học. Các thành viên cần hỗ trợ về phân bón đều được hợp tác xã hỗ trợ cung ứng đầy đủ theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” không lấy lãi. Đây là một trong những động lực giúp bà con gắn bó và chăm chút cho cây chè.
Gia đình anh Phùng Thanh Độ (thôn 5, xã Tân Thành) cho hay, gia đình anh đang liên kết trồng hơn 1ha chè với Hợp tác xã Chè Tân Thái 168. Nhờ sản xuất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, cây chè cho thu hoạch từ 10 – 12 lứa/năm, được hợp tác xã bao tiêu với giá bán ổn định từ 120 – 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình anh Độ thu về trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, vào mùa vụ thu hái, anh Độ còn tạo việc làm cho 5 – 7 nhân công, với thù lao từ 150 – 200.000 đồng/người/ngày.
Ông Bàn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 cho biết, năm 2017, sản phẩm chè của hợp tác xã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và dán tem truy xuất nguồn gc. Hiện nay, hợp tác xã cung cấp 8 sản phẩm chè xanh OCOP 3 sao, với giá bán giao động từ 200.000 – 600.000 đồng/kg. Các sản phẩm chè của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 cũng bày bán tại nhiều siêu thị và được người tiêu dùng Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… đón nhận.
Nâng tầm chất lượng
Trước đây, các hộ dân liên kết với Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 chủ yếu trồng chè Trung du và chè lai LDP1. Theo ông Bàn Văn Dương, đây đều là những giống chè có thân cây khỏe, dễ chăm sóc, có khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh, chịu được rét và nóng, tuổi cây cao… Sản phẩm trà có màu sắc đẹp, vị thơm, ngọt hậu. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất đòi hỏi đa dạng hóa sản phẩm chè với chất lượng ngày càng tăng. Năm 2022, ông Bàn Văn Dương đã trồng thử nghiệm hơn 4 sào giống chè Long Vân và trên 1 ha chè giống PH8. Đây là những giống chè cho chất lượng tốt, phục vụ sản xuất chè xanh phân khúc cao cấp.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn chè Long Vân 2 năm tuổi, ông Bàn Văn Dương chia sẻ, giống chè Long Vân được đánh giá là “khó tính và khó chiều” nhất, nhưng cũng là giống chè ngon nhất, cho giá trị cao nhất hiện nay. Để có những cây chè Long Vân phát triển tốt, lá xanh đẹp, búp non, khỏe, ông Dương đã phải tìm hiểu kỹ càng, chăm sóc hoàn thoàn theo hướng hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để đảm bảo cây được cấp nước đầy đủ.
Cũng theo ông Bàn Văn Dương, với nhiều ưu điểm như uống không xót ruột, tốt cho tim mạch, chống lão hóa và ung thư nên giá thành của chè Long Vân cũng cao hơn các giống chè thông thường. Vào chính vụ, nếu chè búp bình thường giá thành chỉ từ 300 – 500.000 đồng/kg thì chè Long Vân có giá 1 triệu đồng/kg. Trong năm nay, Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 có kế hoạch trồng mới 2,5ha chè Long Vân. Đây là nguồn nguyên liệu để hợp tác xã thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm chè xanh Tân Thái 168 trở thành sản phẩm OCOP 5 sao trong những năm tới.
Hiện nay, Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 xuất ra thị trường từ 20 – 25 tấn chè với doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, ông Bàn Văn Dương cho biết thêm, bên cạnh việc đưa những giống chè cao cấp vào canh tác, ông sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyn vận động người dân thay đổi các giống chè mới cho năng suất, chất lượng tốt hơn như PH1, PH8… Qua đó, hướng tới mục tiêu sản xuất đại trà trà xanh phân khúc tầm trung và cao cấp, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị cho cây chè ở Tân Thành nói riêng và sản phẩm chè Tuyên Quang nói chung, giúp tăng thu nhập cho người trồng chè, thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Ông Trần Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hàm Yên khẳng định, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực tạo thu nhập ổn định cho người nông dân ở xã Tân Thành. Toàn xã hiện có 131 ha chè, năng suất gần 90 tạ/ha, cá biệt có những nơi đạt trên 180 tạ/ha. Mỗi ha chè cho thu nhập từ 120 – 180 triệu đồng/năm. Những mô hình liên kết như Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 nhận bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra là điều kiện quan trọng giúp người nông dân gắn bó, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ cây chè…
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu