Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự điều chỉnh giảm. Giá gạo xuất khẩu cũng biến động giảm nhẹ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.050 đồng/kg, giá bình quân là 6.971 đồng/kg, giảm 136 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 192 đồng/kg, ở mức 8.617 đồng/kg; giá cao nhất là 8.850 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.350 đồng/kg, giá bình quân 13.171 đồng/kg, giảm 121 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.150 đồng/kg, giá bình quân 12.908 đồng/kg, giảm 183 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.750 đồng/kg, giá bình quân 12.492 đồng/kg, giảm 167 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 175 đồng/kg, giá trung bình là 12.917 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 217 đồng/kg, trung bình là 10.975 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa tuần qua có sự giảm giá như: IR 50404 từ 6.700 – 6.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.100 – 7.200 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg và OM 18 từ 7.000 – 7.200 đồng/kg, cũng giảm 200 đồng/kg. Riêng lúa Nhật vẫn không đổi từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.800 – 7.100 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 – 16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 – 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nửa đầu năm, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%; riêng vụ Đông Xuân 20,3 triệu tấn, tăng 0,7%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo được 4,68 triệu tấn, tăng 10,4%; với giá trị 2,98 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tuần qua, các nhà giao dịch cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 575 USD/tấn (ngày 4/7), giảm so với mức 575 – 580 USD/tấn của tuần trước.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan cũng giảm trong tuần này, trong bối cảnh hoạt động mua bán chậm lại. Các nhà giao dịch đang chờ chính sách nhập khẩu mới từ Philippines, một thị trường nhập khẩu lớn, có hiệu lực. Trong khi đó, cước phí vận chuyển cao khiến nhu cầu gạo Ấn Độ tại châu Phi giảm.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 585 USD/tấn trong phiên ngày 4/7, mức thấp nhất kể từ ngày 25/4 và giảm so với mức 595 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết Philippines đang cân nhắc thay đổi chính sách nhập khẩu. Thương nhân này cho biết thêm, thị trường sẽ có nguồn cung gạo mới trong tháng này và có thể khiến giá gạo giảm thêm trong những tuần tới.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, được chào bán với giá 541 – 548 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, các nhà mua châu Phi rất nhạy cảm về giá và họ đang hạn chế mua hàng do cước phí vận tải tăng.
Trong khi đó, theo các quan chức từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, mặc dù nước này đã phê duyệt nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo, nhưng tính đến tháng 4/2024, vẫn chưa có lô gạo nào được nhập khẩu vào nước này.
Chính phủ Bangladesh đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá gạo. Giá gạo ở Bangladesh ở mức cao dù năng suất và dự trữ dồi dào.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá lúa mỳ kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng trong phiên ngày 5/7 trong bối cảnh đồng USD yếu đi. Giá ngô và đậu tương kỳ hạn cũng tăng do lo ngại về thời tiết khô nóng ảnh hưởng đến vụ mùa tại Mỹ.
Cụ thể, giá lúa mỳ vụ Đông đỏ mềm giao tháng 9/2024 trên sàn CBOT đóng cửa tăng 16,5 xu lên 5,905 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2024 tăng 8,25 xu lên 11,2975 USD/bushel. Giá ngô giao tháng 12/2024 tăng 4,5 xu lên 4,24 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Các thương nhân cho biết hoạt động giao dịch khá thưa thớt do thị trường đóng cửa ngày 4/7 vì nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ và trước kỳ nghỉ cuối tuần.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA cho biết, xuất khẩu lúa mỳ trong tuần kết thúc ngày 27/6 đạt tổng cộng 805.300 tấn trong niên vụ 2024/25, cao hơn ước tính của thị trường là 350.000 – 700.000 tấn.
Bên cạnh đó, dự báo thời tiết nóng và khô trong tháng 7/2024 đang làm gia tăng lo ngại về vụ ngô và đậu tương trong giai đoạn thụ phấn quan trọng.
Về thị trường cà phê thế giớ, sau ngày tạm ngưng giao dịch do nghỉ lễ Quốc khánh, giá cà phê Arabia trên sàn New York tăng mạnh, còn cà phê Robusta trên sàn London có phiên tăng giá thứ tư trong tuần.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 2,15 xu Mỹ so với 1 tuần trước đó lên 228,95 xu Mỹ/lb.
Tại London, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng 81 USD lên 4.234 USD/tấn, còn giá Robusta giao tháng 11/2024 tăng 75 USD lên 4.060 USD/tấn.
Tại Tây nguyên, giá cà phê tăng thêm 2.000 đồng/kg; đạt 124.500 đồng/kg tại Đắk Nông.
Theo Bloomberg, giá cà phê Robusta tăng trở lại trong thời gian gần đây vì nhiều nhà rang xay phương Tây tin rằng thời tiết bất lợi sẽ khiến sản lượng cà phê Việt Nam thấp hơn bình thường trong vụ thu hoạch sắp tới.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu