Tìm lại “vị thế” cho thanh long xuất khẩu

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu với 292 triệu USD, chỉ đứng sau sầu riêng.

Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã thông tin chi tiết về giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực đến các thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục duy trì vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu với 1,323 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết những năm trước, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả.

“Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỷ USD, nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2022. Vào thời gian Nhật có nghị định thư cho nhập chính ngạch thanh long Việt Nam, trái cây này được phục hồi. Tuy nhiên khi xuất khẩu sầu riêng bứt phá thì thanh long đứng sau thứ hạng trái cây vua”, ông Nguyên thông tin.

Ông Nguyên cho rằng trên thế giới, thanh long được mệnh danh là “siêu trái cây” bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Thanh long được yêu thích tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, 90% thanh long nhập khẩu của Trung Quốc là thanh long Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyên thông tin trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường Trung Quốc giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

“Thanh long Việt Nam được trồng ở vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp nên rất ngọt và mát, thanh long các nước không bằng; nhất là thanh long ruột đỏ. Nên vị trí thanh long Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi trong việc giữ thứ hạng thứ 2, chỉ sau sầu riêng”, ông Nguyên giải thích thêm.

Tìm lại “vị thế” cho thanh long xuất khẩu- Ảnh 1.

Thanh long được yêu thích tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Ảnh minh họa: báo Tuổi Trẻ.

Khi thanh long mất “ngôi vương”, các doanh nghiệp xuất khẩu có sự chuyển hướng thị trường để giữ thị phần và khẳng định chất lượng, giá trị của thanh long Việt xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hùng (một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận) kể lại lúc thanh long chính thức mất “ngôi vương” trái cây tỷ đô vào giữa tháng 7/2022, thời điểm sầu riêng được chính thức ký nghị định thư:

“Tôi nhớ năm 2018 xuất khẩu được tỷ đô, nhưng nửa năm 2023 chỉ đạt gần 350 triệu USD. Chúng tôi từ chỗ tập trung vào thị trường Trung Quốc đã chuyển sang thị trường Đông Nam Á và làm các chứng nhận Halah (tiêu chuẩn thực phẩm cho người Hồi giáo) để vào siêu thị tại Malaysia”.

Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%… Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển hướng thị trưng khá tốt.

Theo báo Nhân Dân, nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long hàng hóa; có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn nên thanh long cho thu hoạch quanh năm. Hơn nữa, sản xuất thanh long đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp tăng khả năng cạnh tranh cho mặt hàng này khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Trong khi đó, giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch.

Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hàng năm phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực.

Thêm vào đó, diện tích trồng thanh long một số nước thời gian qua có xu hướng tăng, nhất là Trung Quốc có quy mô về diện tích và sản lượng tăng nhanh nên nhu cầu nhập khẩu sản phẩm này hạn chế. Riêng Ấn Độ, đây là thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Vit Nam chỉ tập trung tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tại hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thanh long đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Mặt khác cần lấy thị trường làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu. Sản xuất thanh long bền vững cần sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu