Theo các doanh nghiệp, nhiều thị trường lớn đang tăng thu mua rau quả từ Việt Nam. Dự báo, ngành rau quả có thể lập kỷ lục mới với mốc 7 tỷ USD trong năm nay.
Các nước tăng thu mua rau quả từ Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Bên cạnh các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, các thị trường này tăng nhập khẩu từ 30-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung Quốc, 5 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu khoảng 1,7 tỷ USD rau quả Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ 2023.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group – cho biết, xuất khẩu trái cây của công ty đang tăng trưởng khá ấn tượng do thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng. Từ đầu năm đến nay, nhiều loại trái cây của công ty được thâm nhập vào các thị trường mới như Úc, New Zealand, Trung Đông… Đặc biệt, hiện Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan.
“Đây là thử nghiệm mới của doanh nghiệp trong năm nay. Điều này giúp công ty luôn đầy ắp đơn hàng. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của công ty tăng đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tùng nói.
Ông Tùng đánh giá, nhu cầu về rau quả ở các thị trường hiện rất lớn. Sản phẩm của Việt Nam nếu thâm nhập vào được, đảm bảo sự ổn định về chất lượng sẽ có chỗ đứng. Điển hình như mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của công ty tăng đột biến, với dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay.
“Một con số chúng tôi không nghĩ có thể đạt được chỉ sau ít năm khai thác mặt hàng này”, lãnh đo Vina T&T Group chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng Phát – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit – cho biết, trong gần hai tháng trở lại đây, dù cước vận chuyển tăng đột biến gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Song các doanh nghiệp nông sản vẫn cố gắng xuất hàng đúng theo các hợp đồng đã ký do các nước đang tăng thu mua rau quả từ Việt Nam.
Là doanh nghiệp lớn xuất khẩu thanh long, theo ông Phát, do ảnh hưởng của El Nino, sản lượng loại trái cây này toàn cầu giảm sút, tạo cơ hội cho thanh long Việt Nam thâm nhập các thị trường mới ở châu Âu, Bắc Mỹ.
Trong nửa đầu năm nay, thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Anh, Đức tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Ấn Độ, Úc cũng tăng mạnh thu mua thanh long Việt.
“Năm nay, giá thanh long trong nước tăng cao, như thanh long ruột trắng mua tại vườn với giá 20.000-25.000 đồng/kg, tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh long ruột đỏ, giá thu mua lên tới 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá hiếm gặp. Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp hợp tác với bà con nông dân tại Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… ”, ông Phát cho hay.
Xuất khẩu rau quả dự kiến vượt 7 tỷ USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng.
Đặc biệt một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính; thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa với thị trường Trung Quốc.
Vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên sẽ vào mùa thu hoạch rộ trong tháng 9, tháng 10.
Theo Vietnam+, năm ngoái đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của Việt Nam do Thái Lan hết hàng. Năm nay do ảnh hưởng bởi El Nino nên sản lượng thanh long bán ra trên toàn cầu lao dốc.
Tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, nguồn cung từ Mexico và các nước Nam Mỹ năm nay cũng bị mất mùa nên cơ hội để hàng Việt chinh phục các thị trường.
Đại diện Vinafruit dự báo, nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD (năm ngoái 5,7 tỷ USD), mức kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam.