Trong tháng 7 xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng khởi sắc hơn, trong đó xuất khẩu tôm tăng 11%, cá tra tăng 23%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đang gia tăng thu mua thủy sản.
Nhờ đó, trong tháng 7 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay.
Cụ thể trong tháng 7 xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng khởi sắc hơn, trong đó xuất khẩu tôm tăng 11%, cá tra tăng 23%.
Theo Tiền Phong thời gian vừa qua, các thị trường lớn đều chi mạnh để nhập khẩu tôm và cá tra Việt Nam. Điển hình, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng 24%, sang châu Âu tăng 32%, sang Mỹ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%… Với cá tra, xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20-40%.
Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, trong đó ngành tôm mang về gần 2 tỷ USD, tăng 7% và cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7%.
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đều tăng 10% và đều đạt trên 930 triệu USD, chiếm gần 18% tổng kim thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 10% đạt trên 600 triệu USD…
Kỳ vọng vượt qua thách thức bứt phá cuối năm
Về thị trường, top 4 thị trường chính có dấu hiệu hồi phục nhu cầu rõ rệt trong tháng 7 gồm: Trung Quốc và Hồng Kông tăng 30%, Mỹ tăng 14%, Nhật Bản tăng 11% và EU tăng 14%…
Đáng chú ý lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông đều tăng 10% và chiếm tỷ trọng tương đương nhau, chiếm gần 18% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt trên 930 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng tăng 10%, đạt trên 600 triệu USD. Riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1%, đạt 426 triệu USD.
Với ngành cá ngừ, sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số, từ 16 – 32%, xuất khẩu cá ngừ tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, từ khi Nghị định 37/2024 có hiệu lực (từ 19/5/2024), doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ rơi vào tình thế “mệt mỏi” vì không mua được nguyên liệu cá ngừ đóng hộp đúng theo quy định mới với yêu cầu cá ngừ vằn khai thác phải đạt kích cỡ tối thiểu 0,5 m.
Hiện VASEP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kiến nghị sửa đổi Nghị định 37 sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu