Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Dụng công chuẩn bị ống mồi

Mùa đông là mùa săn ong giống ở các huyện miền tây xứ Nghệ. Từ bao đời nay, trong nghề nuôi ong rừng, ống ong là dụng cụ quan trọng để ong làm tổ. Nếu phân loại theo mục đích sử dụng thường có 2 loại ống, ống mồi hay còn gọi là ống tang dùng để săn ong giống và ống nuôi dùng để nuôi ong lấy mật. Đối với dân săn ong, ống mồi được họ dụng công từ lúc chọn gỗ cho đến lúc hoàn thành. Các loại gỗ mít, dổi, đẻn… thường được dân chơi ong dùng để chế tác ống mồi vì săn được nhiều ong.

Người dân Nghệ An đi săn ong mật giống. Ảnh: Huy Thư.

Người dân Nghệ An đi săn ong mật giống. Ảnh: Huy Thư.

Ống mồi là những ống gỗ rỗng, dài khoảng 70cm, đường kính 20cm, có cửa là những khe hẹp dài 2 – 3cm, rộng 0,5cm để ong ra vào. Khác với ống nuôi thường làm từ những thân cây thẳng để dễ lấy mật, ống mồi lại làm từ những khúc cây cong như u bò để hấp dẫn ong hơn. Theo người trong nghề, khi ong về tổ sẽ tập trung phần nhô bên trong ống, cảm giác kín đáo, ấm cúng, không trống trải như ống thẳng. Có những ống mồi chiều cao của “u bò” gần bằng chiều dài của ống.

Phần lớn những người nuôi ong rừng thường tự tay làm ống mồi cho mình. Khi họ kiếm được những khúc cây vừa ý sẽ bắt tay vào việc cưa, đục, đánh nhẵn, chăm chút để làm thành ống mồi đẹp. Bên ngoài ống có khi được chạm trổ hình hoa lá khá bắt mắt. Do đó hình thức của ống mồi cũng nói lên sự kỳ công, chăm chút của chủ nhân.

Chiếc ống mồi cong như u bò được chạm trổ công phu. Ảnh: Huy Thư.

Chiếc ống mồi cong như u bò được chạm trổ công phu. Ảnh: Huy Thư.

Một số người không có dụng cụ hoặc không được khéo tay đục đẽo thì chọn mua ống mồi của người khác. Giá ống mồi tùy vào chất lượng săn ong mà được mua từ 3 – 5 triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng. Những năm qua, không ít người nuôi ong đã kiêm nghề làm ống mồi, vừa để dùng, vừa để bán kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Khắc Dinh (73 tuổi) – người có thâm niên trong nghề săn ong mật giống ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Từ trước tới nay, dân đi săn ong chưa ai tìm ra bí quyết gì để dụ được ong về ống của mình một cách chắc chắn, do đó họ thường tập trung trau chuốt cho chiếc ống mồi, hi vọng sẽ đạt được kết quả tốt khi đi săn ong. Mỗi người thường dụng công theo một cách riêng, từ việc tìm gỗ làm ống đến công đoạn gia công, đánh nhẵn.

Bắt ong thăm trước cửa ống mồi đã có ong về. Ảnh: Huy Thư.

Bắt ong thăm trước cửa ống mồi đã có ong về. Ảnh: Huy Thư.

Ống mồi “chuẩn” là ống săn được nhiều ong. Thực tế có những ống mồi nhìn ngoài cũ kỹ, xù xì nhưng khá “dính” ong, nhưng nhiều ống đẹp qua mấy mùa ong cũng không săn được đàn nào. Ống mồi “xịn” thường được chủ nhân giữ gìn cẩn thận. Có những ống mồi tốt được người dân lưu giữ cả trăm năm, được truyền từ đời này sang đời khác. Sở hữu một ống mồi tốt sẽ quyết định thành công hay thất bại trong quá trình săn ong.

Hồi hộp chờ ong “đổ bộ”

Mùa săn ong năm nay không mấy thuận lợi vì mưa nhiều. Đội ngũ săn ong lại đông đảo hơn những năm trước và ngày càng được trẻ hóa. Bên cạnh thanh niên, những cụ già 75 – 80 tuổi vẫn hăng hái “một mình một xe” vào rừng. Những ngày này, những vị trí săn ong ở các xã miền núi giáp Lào tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn (Nghệ An); Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) đều nhộn nhịp người đi săn ong. Họ đi xe máy, xe kéo, mang theo đủ loại ống mồi, ít nhất mỗi người cũng mang từ 2 – 3 ống.

Người dân dựng 'đày' để trèo lên cột điện bắt ong thăm. Ảnh: Huy Thư.

Người dân dựng “đày” để trèo lên cột điện bắt ong thăm. Ảnh: Huy Thư.

Anh Nguyễn Hữu Thông (29 tuổi) – một thanh niên mê săn ong ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) cho biết: Những ngày qua, anh không chỉ săn ong trong huyện mà còn sang Hương Sơn (Hà Tĩnh) để kiếm ong. Tuy nhiên sau mấy lần “tập kích” ong tại xã Sơn Hồng, anh đều thất bại. “Sang Hương Sơn cũng gặp các cao thủ, ống mồi của tôi không địch được với ống của họ nên phải về không”, anh Thông nói.

Quá trình đi săn ong giống thực chất là “mời” ong rừng chọn ống trong quá trình di chuyển tránh đông. Khi vác ống mồi đến các điểm săn ong như vách đá, trại chè, nhà hoang…, người đi săn ong thường nôn nóng bắt cho được 1 con ong thăm hay còn gọi ong soi, ong kiếm – loại ong trinh sát tìm tổ bỏ vào ống mồi. Nghe ở đâu, ai bắt được ong thăm, bất chấp đường xa, băng rừng, lội suối, đoàn người săn ong vội vã soạn ống mồi lên xe, lao vun vút.

Ong thăm sau khi bắt được sẽ cho vào ống mồi để thăm ống. Ảnh: Huy Thư.

Ong thăm sau khi bắt được sẽ cho vào ống mồi để thăm ống. Ảnh: Huy Thư.

Kinh nghiệm của người đi săn ong là phải có đôi mắt tinh, đôi tai thính và cả đôi tay nhanh nhẹn để phất vợt lần nào là bắt được ong thăm lần đó. Người săn ong lâu năm chỉ cần nhìn ong bay trước mắt là biết ong đi lấy mồi hay ong thăm tổ. Ong thăm có thể xuất hiện dưới gốc cây cổ thụ, trên cột điện… Người đi săn ong giống có thể gắn cây tre dài vào cột điện cao để làm “đày”. Lúc ong thăm xuất hiện, họ thường trèo lên “đày” để vợt ong trên cột điện.

Dân săn ong giống ở các địa phương đều cho “đồng nghiệp” bắt ong thăm trước cửa ống mồi của mình. Do đó khi một ống mồi có nhiều ong thăm về, những người đi săn ong thường gọi điện cho nhau mang ống tới chia sẻ. Tại một địa điểm xuất hiện ong thăm thường có hàng chục, thậm chí cả trăm ống mồi mang đến để săn.

Mỗi điểm săn ong có hàng chục, thậm chí hàng trăm ống mồi treo quanh gốc cây chờ ong thăm ống. Ảnh: Huy Thư.

Mỗi điểm săn ong có hàng chục, thậm chí hàng trăm ống mồi treo quanh gốc cây chờ ong thăm ống. Ảnh: Huy Thư.

Ông Hoàng Vinh Quang (72 tuổi), một người săn ong lâu năm ở xã Thanh Long (huyện Thanh Chương) cho biết: Thời gian ong thăm ống kéo dài từ vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ, thậm chí vài tuần, tùy thuộc vào nhiều yếu tố (số lượng ống mồi, điều kiện thời tiết, quãng đường). Lúc này, những người đi săn ong thường đi lại xem ống mồi của ai có ong thăm về “rền” hơn, ống nào có khả năng hốt đàn nhất. Ai cũng mong ong sẽ “đổ bộ” vào ống của mình.

Ong thăm ống khá kỹ. Khi đã khảo sát tất cả các ống mồi, nếu ong ưng ý lựa chọn 1 ống nào đó, số ong thăm sẽ đồng loạt rời khỏi các ống để đi đón đàn. Khoảng vài phút sau (tùy thuộc vào khoảng cách từ ống mồi đến nơi đàn ong đang trú) cả đàn ong sẽ “đổ bộ” đúng vào chiếc ống mà chúng đã chọn. Từ trên trời, ong bay về vây kín ống mồi trong sự háo hức của người đi săn ong.

Săn ong mật giống là công việc, thú chơi khiến nhiều người say mê. Ảnh: Huy Thư.

Săn ong mật giống là công việc, thú chơi khiến nhiều người say mê. Ảnh: Huy Thư.

Sau thời gian chờ đợi kéo dài, thấy ong kéo về, dân săn ong thường reo hò, phấn khởi, tập trung xem ong vào ống. Những ngày được ong, mỗi điểm săn ong sẽ có nhiều đàn ong về tổ, hết đàn này đổ bộ, lại đến đàn khác thăm ống. Săn ong vào ngày này, xác suất được ong cao. Có người kiếm được mấy đàn trong một buổi.

Mua bán ong giữa rừng

Để kết thúc nhanh quá trình ong “đổ bộ”, khi ong vào ống gần hết, dân săn ong thường dùng tờ tiền polime cuốn thành hình dẹt nhét vào trước miệng ống để ong vào được nhưng không ra được.  Sau khi ong “nhập ống”, tùy vào quãng đường về nhà xa hay gần mà ống mồi được nút cửa hoặc mở 1 đầu ống để bịt màn tuyn. Theo dân săn ong, nếu di chuyển đường xa, ống mồi nút quá kín, ong có thể bị chết ngạt.

Sau khi 'xem xét' các ống mồi, ong chỉ chọn 1 ống duy nhất để 'đổ bộ'. Ảnh: Huy Thư.

Sau khi “xem xét” các ống mồi, ong chỉ chọn 1 ống duy nhất để “đổ bộ”. Ảnh: Huy Thư.

Săn được ong, người đi săn có thể đưa về nuôi hoặc cho, bán. Kinh nghiệm cho thấy, thời điểm gần qua mùa đông, những đàn ong chống chọi được rét, có sức sống khỏe họ mới dùng để nuôi. Do đó, ong đầu mùa thường được bán là chủ yếu. Nhiều người nuôi ong mật ở các địa phương chọn cách tăng đàn bằng việc mua ong giống của những người đi săn ong. Thậm chí một số người đi săn không được ong cũng mua ong “tại trận”, mặc cả tiền nong lúc ong vừa về tổ.

Sau khi ngã giá, khoảng 300 – 500 nghìn đồng/đàn tùy vào đàn ong có quân nhiều hay ít, họ căn thời điểm ong đổ bộ được 1 – 2 phút thì cất ống mồi mà ong đã chọn, thế vào ống mồi của người mua. Việc mua bán ong trên rừng diễn ra một cách mau lẹ theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, khi đã thế ống mồi, tiền đã trao, nếu ong không chấp nhận, vụt bay lên trời thì người mua ong phải chịu thiệt. Chuyện mua bán ong giữa rừng cũng xảy ra nhiều tình uống dở khóc, dở cười.

Người dân săn ong thích thú xem ong 'nhập ống'. Ảnh: Huy Thư.

Người dân săn ong thích thú xem ong “nhập ống”. Ảnh: Huy Thư.

Đi săn ong ngoài chất lượng ống mồi, việc được ong còn phụ thuộc hên xui. Mỗi mùa ong có người được hàng chục, hàng trăm đàn, nhưng có người không được đàn nào, thậm chí “3 năm mới được 1 đàn”. Ông Hoàng Văn Khai (55 tuổi) trú ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) chia sẻ: “Tôi mới chơi ong từ 2 năm nay nhưng ống mồi “son” nên kiếm được nhiều ong. Năm ngoái tôi được 17 đàn. Năm nay, tính đến cuối tháng 11 âm lịch tôi đã kiếm được 18 đàn. Tôi nuôi ít, ong săn được chủ yếu cho người thân và bán lấy tiền”.

Mùa ong này, dân săn ong các xã Thanh Hương, Thanh Thịnh (huyện Thanh Chương) còn đánh xe hàng chục cây số lên Vều (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) hoặc bắt xe ô tô vượt hàng trăm cây số đến tận huyện rẻo cao Kỳ Sơn để săn ong. Theo các thợ săn ong, đi Kỳ Sơn xa, tốn kém, vất vả, nhưng trúng ong “một người mang 10 ống mồi thì ong vào 7 – 8 ống”.

Người dân đi săn ong có thể mua ong 'tại trận', trao tiền, thế ống mồi khi ong mới 'đổ bộ'. Ảnh: Huy Thư.

Người dân đi săn ong có thể mua ong “tại trận”, trao tiền, thế ống mồi khi ong mới “đổ bộ”. Ảnh: Huy Thư.

Thời gian gần đây, những người làm nghề săn ong ở huyện Thanh Chương còn lập Hội săn ong soi để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm săn và nuôi ong rừng. Anh Phạm Viết Thiện (36 tuổi) – đại diện Hội ong soi Thanh Chương cho biết: Hoạt động săn ong mật giống không chỉ kiếm được ong rừng thuần chủng để nuôi, để bán kiếm thêm thu nhập mà còn là một thú chơi đầy hấp dẫn, lôi cuốn nhiều người tham gia, góp phần lan tỏa phong trào nuôi ong lấy mật trên địa bàn.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu