Khai thác thế mạnh thị trường nội địa trong tiêu thụ nông sản

Ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa vẫn là nơi giao thương chủ yếu của các loại hàng hóa; trong đó, có mặt hàng nông sản.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An) thu hoạch khoai mỡ. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Khai thác theo khu vực

Khu vực phía Nam có 2 vùng kinh tế lớn đó là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Đông Nam Bộ luôn là khu vực giao thương sôi động bởi sự hình thành các trung tâm kinh tế và giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương rất phát triển. Ngoài khu vực trung tâm còn có các địa phương lân cận như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh.

Hiện, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế bằng ưu tiên 3 động lực là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời, phát triển thị trường trong nước cũng là một trong các chiến lược trụ cột quan trọng trong “cỗ xe tam mã”.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, phát triển kinh tế khu vực là thế mạnh phát triển thị trường nội địa. Thị trường nội địa là đầu vào của thị trường bán lẻ,  phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào, phong phú, cộng thêm với điều kiện thu mua trong cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp khai thác để tiêu thụ. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để sử dụng triệt để.

Trong 2 khu vực kinh tế phía Nam, Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế của khu vực này. Với nhiều lợi thế như có trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn, đông dân cư tốp đầu cả nước. Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển thị trường nội địa, đây cũng là thị trường tiềm năng nhất để tiêu thụ nông sản được sản xuất trong khu vực và của cả nước.

Là trung tâm phân phối lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ cơ sở hạ tầng, cũng như hoạt động giao thương sôi động như các chợ đầu mối với hơn 60% hàng tươi sống, chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi… để nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội vùng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam đầu tư hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa; trong đó, có các mặt hàng nông sản. Chỉ tính riêng sản phẩm chăn nuôi, Thành phố Hồ Chí Minh bình quân tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày. Đó là chưa kể nhiều loại nông sản khác như: rau củ, trái cây, gạo…

Gần đây nhất, Bộ Công Thương cũng đã khẳng định vai trò của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy, người tiêu dùng trong ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Rạch Miễu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cần sợi dây liên kết đa chiều

Thị trường nội địa là thị trường luôn sẵn sàng ủng hộ hàng hoá của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước, với lợi thế đa tầng, đa phân khúc người tiêu dùng. Không những vậy, đây cũng là bệ đỡ cho các doanh nghiệp khi hoạt động xuất khẩu có sự cố. Tinh thần tương thân tương ái của người tiêu dùng nội địa cũng là hậu phương vững chắc của nhiều ngành hàng xuất khẩu.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, trong năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, để giữ vững thị trường nội địa, các ngành hàng, chính quyền địa phương cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Với tầm quan trọng của thị trường nội địa này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chương trình hợp tác với các địa phương tiêu thụ hàng hóa nông sản như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,… Điển hình như các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp nông sản của Đồng Nai có thế mạnh về các loại gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, trái cây, rau củ… Quy trình sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã của Đồng Nai khá chuyên nghiệp do sản xuất công nghiệp, nhưng đa số còn gia công cho các thương hiệu lớn. Việc kiểm soát chất lượng nông sản tại vùng nguyên liệu cũng được doanh nghiệp chuẩn hóa, theo quy trình giám sát chặt chẽ của các nhà đầu tư sẽ thuận lợi rất nhiều cho các hệ thống phân phối và cả các cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cung cấp đến người tiêu dùng.

Đại diện doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn chế biến, bà Nguyễn Thị Hoài, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoài An (Đồng Nai) chia sẻ, doanh nghiệp đã qua quá trình dài chuẩn hoá sản phẩm thịt lợn chế biến, để đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm cung cấp ra thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp Hoài An tìm kiếm cơ hội hợp tác liên kết để sản phẩm có thể tham gia vào thị trường nội địa, tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững tại tỉnh nhà, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những chiến lược để doanh nghiệp Hoài An có thêm nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu