Đổ hàng tỷ USD vào nông nghiệp, các đại gia Việt nhận lại được gì?

Dù là những doanh nhân có tiếng trên thương trường, Bầu Đức, tỷ phú Trần Đình Long hay Trần Bá Dương,.. đều phải đối mặt với không ít thách thức trong hành trình đầu tư nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam, vốn được xem là trụ cột kinh tế, đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp lớn. Không chỉ là những tên tuổi quen thuộc trong ngành, mà các đại gia từng làm nên thành công ở lĩnh vực khác như bất động sản, thép, hay chứng khoán cũng mạnh tay rót vốn vào nông nghiệp, tạo nên những cuộc chuyển mình.

Nhiều doanh nghiệp dấn thân vào cuộc đua với những kỳ vọng lớn, từ “bán chuối nuôi heo” của Hoàng Anh Gia Lai, mô hình sản xuất tuần hoàn của Thaco Agri, đến chiến lược nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn PAN. Thế nhưng, giữa vô vàn kỳ vọng, các khoản đầu tư này đã mang lại trái ngọt hay chỉ để lại những bài học đắt giá?

Từ bất động sản đến chuối và sầu riêng

Khởi đầu từ bất động sản, sau đó mở rộng sang thủy điện, năm 2013, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) bất ngờ tuyên bố chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực nông nghiệp. Để tái cơ cấu đầu tư, HAGL đã bán toàn bộ dự án thủy điện, cổ phần công ty gỗ và nhiều tài sản khác, dồn toàn lực cho các dự án nông nghiệp.

Nếu năm 2012, doanh thu từ nông nghiệp chỉ chiếm 4,3% tổng doanh thu, thì đến năm 2013, con số này tăng đột biến lên 38,94%. Tuy nhiên, hành trình đầu tư này không mang lại kết quả như mong đợi. Điều này dẫn đến việc Bầu Đức nhiều lần thay đổi chiến lược cây trồng, từ gắn bó đến “chia tay” để tìm kiếm hướng đi khả thi hơn.

 Năm 2022, khi nói về trồng chuối, Bầu Đức từng tự tin tuyên bố: “Tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”. Phát hiện con heo có thể ăn chuối, ông vui mừng đến mức: “Tôi không ngủ được”. Đến giữa năm 2023, khi đặt niềm tin vào sầu riêng, ông lại khẳng định: “Giá trị lớn nhất trong tương lai của Hoàng Anh Gia Lai là sầu riêng”, kỳ vọng 1 đồng vốn sẽ mang về 4 đồng lời.

Những lần chuyển hướng táo bạo này đã giúp HAGL cải thiện tình hình kinh doanh, giảm dần lỗ lũy kế. Quý III/2024, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.431 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, chủ yếu do mảng heo giảm mạnh 52% còn 233 tỷ đồng, và trái cây giảm 12% còn 880 tỷ đồng.

Đổ hàng tỷ USD vào nông nghiệp, các đại gia Việt nhận lại được gì?- Ảnh 1.

Dù là những doanh nhân có tiếng trên thương trường, Bầu Đức, tỷ phú Trần Đình Long hay Trần Bá Dương… đều phải đối mặt với không ít thách thức trong hành trình đầu tư nông nghiệp.

Dù doanh thu sụt giảm, HAGL vẫn báo lãi 351 tỷ đồng, tăng 8% nhờ tiết giảm chi phí. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty đạt 851 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20%, trong khi lỗ lũy kế giảm còn 626 tỷ đồng.

Cú “sang ngang” của tỷ phú ngành thép

Nhiều năm gần đây, làn sóng các doanh nhân Việt trên sàn chứng khoán lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút sự chú ý. Trong số đó, nổi bật là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).

Trên thương trường, ông Long được biết đến với danh xưng “vua thép,” nhờ hơn 30 năm xây dựng đế chế Hòa Phát từ một doanh nghiệp kinh doanh đồ cũ vào năm 1992. Tuy nhiên, với nông nghiệp, đây là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với vị tỷ phú này.

Năm 2015, Hòa Phát bước vào ngành nông nghiệp với việc thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn Chăn nuôi, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thức ăn chăn nuôi và đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025. Kế hoạch sản xuất mỗi năm bao gồm 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 750.000 đầu lợn, 200.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch.

Sau gần một thập kỷ, nông nghiệp đã trở thành một trong những trụ cột của Tập đoàn Hòa Phát, với tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát hiện là một trong 5 công ty con cấp một, hoạt động ở 4 lĩnh vực chính: Thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.

Từ năm 2016-2020, mảng nông nghiệp của Hòa Phát ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu tăng gấp 19 lần, trong khi lợi nhuận tăng tới 62 lần. Nếu như năm 2016, mảng này chỉ đóng góp 0,4% lợi nhuận thì đến năm 2020, tỷ trọng đã tăng lên 12%, đạt 1.620 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, Hòa Phát nói chung và mảng nông nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm.

Năm 2023, dù doanh thu từ nông nghiệp tiếp tục giảm, lợi nhuận từ mảng này bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đạt 204 tỷ đồng, chiếm 3% cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn.

Quý III/2024, mảng nông nghiệp của Hòa Phát ghi nhận doanh thu 1.833 tỷ đồng, tăng 21%. Lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, tăng đột biến 80% so với cùng kỳ năm trước.

Bước tiến của ông chủ Thaco trong lĩnh vực nông nghiệp

Năm 2019, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) được thành lập, chính thức đánh dấu sự gia nhập của tỷ phú Trần Bá Dương vào lĩnh vực nông nghiệp. Động thái này đến sau cái bắt tay với bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) nhằm vực dậy HAGL Agrico, một doanh nghiệp từng đứng trước nguy cơ phá sản.

Từ khi bắt đầu tham gia vào HAGL Agrico năm 2018, ông Trần Bá Dương đã đưa ra nhiều giải pháp như rót vốn, đầu tư và cho vay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt dòng tiền, nợ đến hạn và thiếu kinh phí đầu tư vào vật tư, hạ tầng kỹ thuật vẫn đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Cuối cùng, Thaco buộc phải tiếp quản HAGL Agrico, và ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này.

 Sau hai năm liên tiếp thua lỗ vào năm 2021 và 2022, Thaco Agri bất ngờ ghi nhận lãi gần 42 tỷ đồng trong năm 2023, tăng trưởng vượt bậc so với khoản lỗ 869 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với lợi nhuận sau thuế đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 24% so với kỳ trước. Thành quả này đã giúp vốn chủ sở hữu của Thaco Agri tăng 6%, đạt 14.600 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2024.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh vào tháng 7, ông Trần Bá Dương cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 là giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng và thiết lập mô hình sản xuất trồng trọt – chăn nuôi. Trong khi đó, nửa cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ là thời điểm tập trung hoàn thiện mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp, tuần hoàn với quy mô lớn mang tính công nghiệp.

Chủ tịch SSI và hành trình chinh phục nông nghiệp

Không chỉ đại gia bất động sản, thép hay ô tô, một tên tuổi lớn trong ngành chứng khoán cũng thu hút sự chú ý với hành trình phát triển nông nghiệp. Đó là ông Nguyễn Duy Hưng, người sáng lập SSI – công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT SSI, ông Hưng còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN. Hành trình của PAN Group trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu vào năm 2012, khi tập đoàn thay đổi chiến lược để hướng tới mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực này.

 Năm 2013, PAN tăng vốn điều lệ lên 200,5 tỷ đồng, gấp 800 lần so với khi mới thành lập. Đến năm 2015, con số này tăng lên 1.009 tỷ đồng, giúp tập đoàn từng bước mở rộng quy mô. Thời điểm đó, PAN sở hữu 42,3% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) và đến năm 2017, tỉ lệ này nâng lên 50,07%, biến Bibica thành công ty con của PAN Food – đơn vị chuyên đầu tư vào thực phẩm.

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi PAN chính thức rút khỏi lĩnh vực vệ sinh công nghiệp để tập trung vào hai trụ cột cốt lõi: nông nghiệp và thực phẩm.

Từ đó, tập đoàn này không ngừng mở rộng kinh doanh, thâu tóm các công ty nội địa như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, hay Công ty Khử trùng Việt Nam.

Đổ hàng tỷ USD vào nông nghiệp, các đại gia Việt nhận lại được gì?- Ảnh 2.

Không chỉ đại gia bất động sản, thép hay ô tô, một tên tuổi lớn trong ngành chứng khoán cũng thu hút sự chú ý với hành trình phát triển nông nghiệp.

Đồng thời, PAN mua lại 22,4% cổ phần Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang và sau đó nâng lên 73,45%, đồng thời quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nước mắm truyền thống.

Không dừng lại ở việc mua cổ phần, PAN còn thành lập các nhà máy chế biến, đầu tư vào trang trại trồng rau và hoa chất lượng cao. Đến năm 2019, tập đoàn chính thức bước chân vào ngành cà phê, tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, PAN Group đạt doanh thu 11.921 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, hoàn thành hơn 80% kế hoạch năm. Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của PAN đạt 23.700 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu nhờ các khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh.

Có thể thấy, thời gian qua, các đại gia Việt đã dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Dù phải đối mặt với không ít thách thức, thậm chí chịu lỗ nặng và chật vật vượt qua khó khăn, nhưng những câu chuyện đầu tư đều mang lại những bài học kinh nghiệm. Để thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc trồng cây gì, nuôi con gì, mà còn đòi hỏi những chiến lược khôn ngoan và bền vững, sẵn sàng đối diện với những rủi ro cố hữu mà ngành này luôn phải đối mặt như thời tiết, thị trường.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu