Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều diễn đàn Khuyến nông @, qua đó đã giúp cho bà con nông dân nâng cao được kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng cơ hội kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản.
Diễn đàn Khuyến nông @ cầu nối trao đổi kinh nghiệm trọng sản xuất nông nghiệp
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ngay từ đầu năm 2024, Trung tâm đã lập kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình tập huấn, các diễn đàn cũng như các mô hình sản xuất để đạt được hiệu quả cao nhất.
Chính từ việc chủ động thực hiện các nghiệp vụ khuyến nông đã góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến nông đảm bảo về tiến độ thực hiện, thời gian, mùa vụ và hiệu quả, đặc biệt là các mô hình khuyến nông.
Việc tổ chức các Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tại một số huyện như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm… đã tạo cầu nối để các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các đơn vị cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc Sở và chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trên địa bàn các địa phương tham gia trao đổi, tư vấn những thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Qua đó, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Tại chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp các kiến thức, giải đáp thắc mắc cho hàng nghìn hộ dân. Từ đó giúp người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, xử lý sâu bệnh hại trong trồng trọt và cách phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Mê Linh đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, Thành phố cũng như của huyện. Trong đó có nhiều mô hình khuyến nông, mô hình nông nghiệp được Trung tâm Khuyến nông Thành phố hỗ trợ phát triển hiệu quả và được huyện khuyến khích phát triển.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từng bước được nâng cao; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô vừa và lớn.
Hiện nay, huyện Mê Linh đang duy trì và phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định quy mô từ 20ha trở lên như sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; cây ăn quả (chuối) tại xã Hoàng Kim, Chu Phan; hoa hồng chất lượng cao tại xã Văn Khê, Mê Linh; rau các loại tại xã Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê.
Trong sản xuất lúa, diện tích lúa có xu hướng giảm dần tuy nhiên cơ cấu giống tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Lúa thuần năng suất cao (Thiên Ưu 8, TBR225…) và các giống lúa chất lượng (Đài thơm 8, J02, HDT10…) chiếm khoảng 65%. Lúa thuần truyền thống (Khang dân, Q5) chiếm khoảng 25%. Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất được người sản xuất quan tâm.
Một số vùng sản xuất nông dân đã dần chuyển dịch từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp (đậu tương, ngô tẻ…) sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Ngô thu bắp non, cây rau, hoa hồng thế, hoa trồng chậu, hoa thảm, hoa ly… sử dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất như giống mới, hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ
Đối với Diễn đàn Khuyến nông @, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nhờ Diễn đàn các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ, cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, những mô hình thành công trong thực tiễn sản xuất.
Các hộ sản xuất, kinh doanh cũng được hỗ trợ tư vấn, giải đáp về đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn một cách hiệu quả nhất, giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp bền vững với giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, các tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội hoạt động lĩnh vực nông nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ và một số doanh nghiệp đã ký kết hợp tác phân phối, ghi nhớ hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn các địa phương.
Điển hình như tại huyện Phúc Thọ, thời gian qua, nhiều mô hình khuyến khích phát triển nông nghiệp đã được huyện hỗ trợ triển khai như: Sản xuất lúa chất lượng cao cơ giới hóa từ làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay cho đến gặt bằng máy gặt đập liên hợp tại các xã Hát Môn, Trạch Mỹ Lộc, Liên Hiệp, Phúc Hòa. Hay triển khai chuỗi liên kết sản xuất dưa bao tử và ngô ngọt quy mô 41 ha; triển khai 41ha cây vụ đông các loại cây có giá trị cao như khoai tây, bí đỏ, ngô ngọt…
Bên cạnh đó, một số HTX của huyện Phúc Thọ đã tích cực đổi mới, mở rộng nhiều dịch vụ theo hướng liên doanh, liên kết như: HTX nông nghiệp xã Long Xuyên triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa bao tử quy mô đến nay 10ha; HTX nông nghiệp xã Vân Nam thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với cây chuối và cây bưởi, trong đó giống chuối Nam Mỹ 3 ha, trồng mới 4ha bưởi Tam Vân và ghép cải tạo 2ha bưởi giống mới…
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cũng như liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua đã cung cấp các kiến thức, kỹ thuật sản xuất và các thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Nhờ tập trung và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời nên thời gian qua nông nghiệp Thủ đô đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương để đưa ra các giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng. Đồng thời chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường một cách linh hoạt và hiệu quả.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu