Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán FTA với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ La tinh.
Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ Latinh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Mercosur là khối tiểu vùng được thành lập vào năm 1991 bởi các quốc gia gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay.
Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, Mercosur là khu vực kinh tế, công nghiệp năng động, cạnh tranh và phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn với vị thế là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Với vị trí địa lý quan trọng ở khu vực Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng đối với các quốc gia Mercosur để đi vào thị trường ASEAN.
Là thành viên trong khối Mercosur, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối và tại khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 4 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến nửa đầu tháng 6 đạt 50 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Kể từ đầu năm nay, Brazil gần như chỉ nhập khẩu các sản phẩm cá tra đông lạnh và phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam mã HS 03046200. Doanh nghiệp cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay là Hùng Cá 2 (chiếm 19% tỷ trọng giá trị).
Theo báo Công Thương, ngoài Brazil, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường trong khối được đánh giá là vẫn tiềm năng. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá tra sang Argentina đạt gần 1,5 triệu USD (tăng 238%), Uruguay đạt hơn 700.000 USD (tăng 2%). Trong khi đó, Paraguay vẫn khá hạn chế trong việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Quốc gia này là nước xuất khẩu nông sản, gia súc và năng lượng điện lớn trên thế giới. Hiện Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay.
Do khoảng cách về địa lý, khác biệt về ngôn ngữ, chưa có tuyến vận tải hàng hóa, hành khách trực tiếp, dẫn đến chi phí logistics cho hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này cao và 2 bên chưa có hiệp định thương mại tự do.
“Với những tiềm năng, Việt Nam và khối thị trường Mercosur sẽ sớm có FTA đầu tiên, mở đường cho hợp tác giao thương xuất khẩu giữa 2 bên, trong đó có xuất khẩu cá tra”, VASEP kỳ vọng.
Trao đổi với TTXVN, ông Ezequiel Ramoneda, Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA), Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia La Plata Argentina (UNLP) cho biết, trong 15 năm trở lại đây, trao đổi thương mại giữa khối Mercosur và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển vượt bậc. Một số quốc gia thành viên ASEAN đã trở thành bạn hàng quan trọng của Mercosur và Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Ông Ramoneda nhấn mạnh trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng không chỉ đối với Argentina, mà còn đối với toàn bộ khối Mercosur. Kết quả này có được là nhờ sự năng động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như những nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu của Mercosur và Argentina.
Đề cập tới triển vọng hợp tác trong tương lai, ông Ramoneda, thành viên Phòng Thương mại Mercosur-ASEAN (MACC), cho rằng với vị trí địa lý quan trọng ở khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng của Argentina và các quốc gia thành viên Mercosur – bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay – để đi vào thị trường các nước Đông Nam Á.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Mercosur nói chung và Argentina nói riêng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, song còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất nhập khẩu.
Mercosur cũng cần có thêm thông tin về các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là tiềm năng công nghiệp, ngoài thế mạnh về nông nghiệp.
Trong quan hệ chính trị, ông Ramoneda nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với các nước Mercosur. “Chúng ta đang ở trong thời điểm đối thoại chính trị tối ưu, cùng với quan hệ thương mại hiệu quả, do đó, cần tăng cường mối liên kết giữa Việt Nam và Mercosur cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Mercosur và ASEAN”, ông Ramoneda, đồng thời là Phó Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam, khẳng định.