Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh trở lại

Sau 2 quý tăng trưởng không mấy tích cực, sang tháng 10, xuất khẩu (XK) rau quả đã lấy lại được đà tăng trưởng mạnh của những tháng đầu năm.

Triển vọng cán mốc 4 tỉ USD

Quý 2 và quý 3 vừa rồi là quãng thời gian XK rau quả có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý 1 và so với mức tăng trưởng của năm 2017 (tăng 33,6% so năm 2016). Đạt mức tăng trưởng tốt nhất là tháng 6, khi tăng 19,8% so với tháng 6/2017. Còn phần lớn các tháng còn lại đều đạt mức tăng trưởng thấp, thậm chí, tháng 5 và tháng 7 đạt mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2017 (âm 6,7% và âm 3,9%).

15-49-12_ru_qu_tng_truong_mnh_tro_li
Sơ chế trái bưởi ở Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre của MM

Do đó, nếu như trong quý 1, kim ngạch XK rau quả tăng 38,5% so với cùng kỳ 2017 thì sau 6, tăng trưởng về kim ngạch XK rau quả đã giảm mạnh xuống còn 19,2%. Và trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng của kim ngạch XK rau quả tiếp tục giảm mạnh xuống còn 13,3% so với cùng kỳ 2017. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đạt mục tiêu XK 4 tỷ USD rau quả trong năm nay.

Sang tháng 10, tăng trưởng XK rau quả đã có sự cải thiện rõ rệt so với các tháng của quý 2 và quý 3. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch XK rau quả tháng 10 ước đạt 330,5 triệu USD, ước tăng tới 37,75% so với tháng 10/2017.

Như vậy, mức tăng trưởng XK của tháng 10 xấp xỉ bằng mức tăng trưởng của quý 1 (38,45%) và cao gấp 3 lần so với mức tăng trưởng của tháng 8 (là tháng tăng trưởng cao nhất trong quý 3). So với tăng trưởng trong tháng 9 (tăng 3% so cùng kỳ 2017), thì tăng trưởng của tháng 10 lại càng ấn tượng hơn nữa. Tính từ đầu năm đến nay, tháng 10 là tháng đạt mức tăng trưởng cao thứ 3 về kim ngạch XK rau quả, sau tháng 1 (tăng 63,6% so với cùng kỳ 2017) và tháng 2 (tăng 42,8%).

15-43-58_thu_hoch_tri_cy_o_d9bscl_-_nh_le_hong_vu_4
Phân loại trái cây trước khi xuất bán

Với sự tăng trưởng mạnh trở lại về kim ngạch XK trong tháng 10, 10 tháng đầu năm nay, ước giá trị XK rau quả đã đạt 3,3 tỷ USD, ước tăng 15,4% so với 10 tháng đầu năm 2017. So với kim ngạch rau quả NK ước tính khoảng 1,298 tỷ USD trong 10 tháng qua, với kim ngạch XK như trên, ngành rau quả đã xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Quan trọng hơn, theo nhận định của một số doanh nhân ngành trái cây, sự tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 10 cũng tạo cơ sở quan trọng để ngành rau quả có thể đạt mục tiêu XK 4 tỷ USD trong năm nay, nếu như trong 2 tháng còn lại của năm vẫn giữ được đà tăng trưởng như vậy.

Một điều rất đáng chú ý trong XK rau quả năm nay, là trong khi XK sang Trung Quốc có mức tăng trưởng bình quân không cao, thì XK sang nhiều thị trường quan trọng khác lại tăng trưởng rất tốt. Trong Top 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của rau quả Việt Nam, Thái Lan là thị trường tăng trưởng mạnh nhất khi đạt 36,539 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 35,05% so với cùng kỳ 2017. Tiếp đó là Úc, đạt 26,929 triệu USD, tăng 31,61%; Mỹ đạt 99,295 triệu USD, tăng 30,78%; Hàn Quốc đạt 85,164 triệu USD, tăng 24,16%…

15-43-58_thu_hoch_tri_cy_o_d9bscl_-_nh_le_hong_vu_6
XK thanh long sang Mỹ tăng mạnh nhờ bảo quản được dài hơn

Với sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường quan trọng khác, rau quả Việt Nam đang đi theo xu hướng giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhất là với những mặt hàng quan trọng. Chẳng hạn, với mặt hàng trái thanh long. Trong 8 tháng đầu năm, XK thanh long sang Mỹ có sự tăng trưởng rất ấn tượng, tới 90,1% so cùng kỳ 2017 và đạt 29,13 triệu USD.

Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Cty Vina T&T, cho hay, sở dĩ XK thanh long tăng rất mạnh ở thị trường Mỹ là nhờ đã có công nghệ bảo quản tiên tiến, kéo dài được thời gian bảo quản lên 45-50 ngày. Do đó, thanh long Việt Nam đã đi được tới nhiều bang ở sâu trong nội địa nước Mỹ.

Giảm dần cơ cấu thị trường Trung Quốc

Với sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường quan trọng khác, rau quả Việt Nam đang đi theo xu hướng giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhất là với những mặt hàng quan trọng. Chẳng hạn, với mặt hàng trái thanh long. Trong 8 tháng đầu năm, XK thanh long sang Mỹ có sự tăng trưởng rất ấn tượng, tới 90,1% so cùng kỳ 2017 và đạt 29,13 triệu USD.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), ngoài thị trường truyền thống và chủ lực là Trung Quốc, triển vọng XK mặt hàng rau quả tại nhiều thị trường có giá trị cao hiện nay đang ngày càng có xu hướng tăng mạnh. Tổ chức FAO cũng dự báo, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018 – 2020, đạt khoảng 320 tỉ USD vào năm 2020.

15-43-58_thu_hoch_tri_cy_o_d9bscl_-_nh_le_hong_vu_7
Ngoài thị trường truyền thống và chủ lực là Trung Quốc, triển vọng XK mặt hàng rau quả tại nhiều thị trường có giá trị cao hiện nay đang ngày càng có xu hướng tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Trong đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng mạnh tại các nước phát triển. Đối với các nước EU, nhu cầu tiêu thụ rau các loại khoảng 115-130 triệu tấn/năm cùng khoảng 70-80 triệu tấn trái cây/năm và đang có xu hướng gia tăng. Các mặt hàng rau quả được EU nhập khẩu lớn gồm các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, măng cụt, dứa, dừa… Hiện nay, mặc dù XK rau quả của Việt Nam sang EU chỉ chiếm tỉ trọng 4-5% tổng kim ngạch XK cả nước, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang có nhiều triển vọng, đặc biệt là mặt hàng chanh leo.

Tại thị trường Nhật Bản, nhu cầu các loại trái cây tươi ngày càng tăng mạnh. Hiện Việt Nam đã được phép XK thanh long (ruột trắng và đỏ), xoài, chuối, dừa sang Nhật Bản, trong đó thanh long Việt Nam là trái cây được đánh giá có dư địa và sức cạnh tranh cao tại thị trường này. Ngoài ra, các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, súp lơ, khoai lang… của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh về XK tại thị trường Nhật. Ấn Độ, thanh long Việt Nam đang là trái cây được thị trường này ưa chuộng hơn cả thanh long Thái Lan và tốc độ tăng trưởng cũng rất khả quan. Tại thị trường Đông Nam Á, Thái Lan mặc dù là nước XK khá lớn trái cây sang Việt Nam, tuy nhiên gần đây, nhiều loại trái cây của Việt Nam cũng đã và đang xâm nhập ngược trở lại thị trường này và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới như thanh long, vải thiều, mít sấy…