Xuất khẩu gạo cuối năm sẽ có nhiều khó khăn

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất bị sụt giảm kéo theo giá xuất khẩu gạo Việt Nam nói chung cũng có xu hướng chững lại khoảng 1 tháng trở lại đây.

Ảnh minh họa

Đơn cử như loại gạo OM5451, nếu như đầu năm nay được bán với giá trên 510 USD/tấn thì nay các đối tác chỉ trả 450 USD/tấn và họ chờ giá gạo Việt Nam xuống mới mua.

Các chuyên gia nhận định, việc giá gạo Việt đang ở mức thấp so với hồi đầu năm chủ yếu là do các doanh nghiệp đã thực hiện xong các hợp đồng đã ký trước đó, trong khi nhu cầu thị trường hiện lại không có. Năm nay, sản lượng lúa gạo của các nước hầu như đều tăng cao so với năm ngoái nên khó có sự đột biến về thị trường.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, mặc dù giá lúa gạo nội địa hiện đang ở mức thấp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang vào đợt thu hoạch vụ Hè Thu nhưng nhiều doanh nghiệp không dám thu mua nguyên liệu bởi lo ngại nếu mua đồng loạt, giá lúa gạo trong nước lại tăng cao và sẽ gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhận định khả năng giá lúa gạo trong nước từ nay đến cuối năm khó giữ ở mức cao như đầu năm do nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.

Vì vậy, Cục khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời, tiếp tục nâng chất lượng gạo để hướng tới các phân khúc thị trường có giá trị cao. Ước tính, để giữ vững thị trường, gạo phẩm cấp thấp sẽ không được quá 20% trong cơ cấu xuất khẩu.