Xã Hà Long phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Thời gian qua, xã Hà Long (Hà Trung) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, xây dựng các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Theo đó, UBND xã Hà Long đã vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, hình thành các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao, với diện tích hơn 260 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt từ 65 đến 70 tạ/ha; vùng sản xuất dứa 650 ha, thu nhập bình quân đạt 140 triệu đồng/ha/năm; trang trại đồi rừng thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/ha… Bên cạnh đó, để phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của địa phương, từ năm 2010, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long khôi phục giống lúa nếp cái hoa vàng và từ 27 ha ban đầu, đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở rộng diện tích hơn 200 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…; hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2 đến 3 lần so với giống lúa thường. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang là một trong 2 sản phẩm của địa phương đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2019.

Ngoài ra, xã Hà Long còn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi 102 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình trong số đó là mô hình trồng ổi lê của gia đình anh Trịnh Xuân Hòa, một trong những hộ dân tiên phong phát triển mô hình trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã. Theo kinh nghiệm của anh Hòa, để trồng ổi đạt năng suất, chất lượng, người trồng ổi cần bảo đảm thực hiện các bước như làm cỏ, lên luống, vệ sinh vườn; cắt tỉa cành tăm, cành khô, cành bị sâu bệnh thời kỳ cây có quả và sau mỗi lần thu hoạch để cây có sức bật mầm mới, thoáng và hạn chế sâu bệnh hại. Quá trình sinh trưởng của cây ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ (phân gà ủ hoai mục sau 6 tháng) hoặc phân vi sinh, không sử dụng phân bón hóa học. Khi được bón những loại phân trên, bộ rễ cây ổi phát triển khỏe vì được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa vi lượng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cho quả giòn và ngọt. Để đảm bảo an toàn cho sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, thì chất lượng quả ổi phải sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; quả to, có dáng đẹp… Cũng theo anh Hòa, trong quá trình trồng và chăm sóc cây, người dân còn chủ động điều chỉnh thời điểm cây ra hoa, kết trái theo ý muốn bằng cách bấm ngọn, hoa và lộc cây. Do đó, ổi cho quả quanh năm và không chín đồng loạt nên bà con thu hoạch không bị dồn vụ và tiêu thụ nhanh, bán được giá. Với các ưu thế, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít, đến nay, hơn 1 ha trồng ổi lê của gia đình anh Hòa đã cho thu hoạch và được HTX dịch vụ thương mại Quý Hương bao tiêu sản phẩm; doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

Để các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, ông Nguyễn Văn Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Long, đề xuất, xã cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, định hướng cho người dân phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất; nhất là các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường.