Vì sao xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra sớm, sâu và kéo dài?

Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 – 2020.

Xâm nhập mặn xảy ra gay gắt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ghi nhận thực tế cho thấy, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ cuối năm 2019. Ranh mặn tháng 12/2019 ở mức 4g/lít ở các cửa sông Cửu Long, và sâu nhất đến 57km ở cửa sông Hàm Luông. Ranh mặn sâu hơn trung bình nhiều năm 24km. Trong tháng 1/2020, ranh mặn thậm chí còn tăng cao hơn.

Lý giải về hiện tượng thiên tai trên, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2019 – 2020, lưu vực sông Mê Kông ít nước trong nhiều năm trở lại đây. Lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn mùa khô năm 2015 – 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).
Bên cạnh đó, dung tích trữ Biển Hồ (Campuchia) đến ngày 10/2/2020 ước khoảng 1,9 tỷ m3; giảm khoảng 35,7 tỷ m3 so với thời điểm cao nhất và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3,6 tỷ m3. Đây là những nguyên nhân chủ yếu gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 – 2020.

Đáng chú ý, đại diện Bộ NN&PTNT nhận định, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Cụ thể, từ ngày 21 – 27/2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km; từ ngày 7 – 15/3, ranh mặn tiếp tục tiến sâu hơn thêm 5km.

Kể từ cuối tháng 3/2020, ranh mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở các vùng sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.