Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống rủi ro thiên tai

Những năm gần đây, thiên tai xảy ra tại nước ta có xu hướng cực đoan, bất thường cả về cường độ, tần suất và không tuân theo quy luật. Bởi vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ với các giải pháp thiết thực là một trong những hướng đi đang được quan tâm nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (BCÐ T.Ư về PCTT), từ đầu năm đến ngày 31-7, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện 14 loại hình thiên tai, trong đó có hai đợt mưa lớn diện rộng, gây lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía bắc làm chết gần 90 người, hơn 20 người mất tích, tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lý giải cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, qua tổng kết các hội nghị, hội thảo khoa học gần đây của BCÐ T.Ư về PCTT cho thấy, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, những nguyên nhân do quá trình phát triển kém bền vững cũng đã góp phần làm gia tăng thiệt hại do thiên tai.

Trong đó phải kể đến việc khai thác quá mức tài nguyên đã làm gia tăng rủi ro thiên tai. Mà cụ thể là phát triển các hồ chứa trên thượng nguồn các dòng sông đã làm thay đổi quy luật của dòng chảy, suy giảm lượng phù sa, bùn cát về hạ du, cùng với việc khai thác cát quá mức làm gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn.

Thêm vào đó, chất lượng rừng ngày càng suy giảm, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn ven biển, đã làm gia tăng lũ quét, sạt lở đất và sạt lở vùng cửa sông, ven biển. Mặt khác, quá trình đô thị hóa đòi hỏi năng lực tiêu thoát nước rất lớn, trong khi đó, việc quy hoạch đô thị không đồng bộ, không tính đến việc dành các không gian cho cây xanh, trữ nước, tiêu nước là thách thức lớn cho khu vực đô thị. Nhiều khu nhà cũ, khu dân cư nghèo sống ven đô, công trình tạm, hệ thống cây xanh, cột điện, biển quảng cáo… không bảo đảm an toàn trước bão, lũ, dông, lốc.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp cùng với những khó khăn còn tồn tại, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Cụ thể, với sự ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, lĩnh vực công trình chỉnh trị sông, bảo vệ bờ sông, bờ biển đã có nhiều tiến bộ. Nhiều vật liệu, công nghệ mới đã được sử dụng, nổi bật là việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm vải địa kỹ thuật dưới dạng tầng lọc hoặc thảm túi bê-tông, thảm túi cát vừa để tăng ổn định bờ vừa tạo điều kiện để thực vật phát triển, tạo cảnh quan môi trường. Những xu hướng này sẽ được tiếp tục trong tương lai và cần được nghiên cứu kỹ hơn để áp dụng vào điều kiện Việt Nam.

Về công nghệ giải pháp mềm gây bồi, tạo bãi, cần rà soát các vị trí thuận lợi, thiết kế và thi công các kè mềm bằng vật liệu địa phương giá thành thấp để giảm thiểu năng lượng sóng, giữ lại phù sa, bùn, cát để gây bồi, tạo bãi trồng rừng ngập mặn. Cơ quan hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã áp dụng thành công giải pháp hàng rào chữ T để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn tại Sóc Trăng và đã có hướng dẫn chi tiết về cách thiết kế và áp dụng nhân rộng giải pháp này. Một số địa phương khu vực Nam Bộ đã thành công sử dụng hàng rào bằng tre với các thiết kế đa dạng cho kết quả tốt.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ đập ngăn bùn đá (đã áp dụng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và phát huy được tính ưu việt trong việc giảm nhẹ rủi ro do loại hình thiên tai này gây ra). Mục đích chính của các đập này là làm tiêu hao năng lượng của dòng lũ bùn đá bằng cách làm chậm và lắng phần phía trước của dòng lũ bùn đá, từ đó giảm đáng kể tác động tới khu vực hạ lưu và khu vực dân cư bị ảnh hưởng. Việc tiêu hao năng lượng của dòng lũ bùn đá có thể đạt được bằng cách làm chậm hoặc thay đổi chế độ dòng chảy.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để giảm thiểu các thiệt hại do sạt lở bờ sông, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá cấp độ rủi ro lũ quét, sạt lở đất; xây dựng các mô hình độ chính xác cao, cảnh báo lũ quét trong điều kiện miền núi Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các dấu hiệu, các ngưỡng mưa phát sinh lũ quét để có giải pháp phù hợp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét độ phân giải cao, ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám trong việc xây dựng các hệ bản đồ cảnh báo sớm.