Ứng dụng công nghệ quản lý rừng: Cách mạng của ngành lâm nghiệp

Dự án Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp giai đoạn II (FORMIS II) do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ với nguồn vốn 9.7 triệu EUR, được triển khai từ năm 2013 – 2018 bắt đầu ứng dụng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đem lại hiệu quả cao…

Đột phá từ công nghệ

Quản lý và bảo vệ rừng luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, bởi rừng có tác dụng to lớn đến đời sống, môi trường cũng như kinh tế, xã hội của mỗi nước. Nước ta có hơn 14 triệu ha rừng và 60/63 tỉnh thành có diện tích rừng, vì thế, có một hệ thống thông tin hiện đại, chính thống và cập nhật thường xuyên về tài nguyên rừng, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

09-09-19-tt2112023758
Các chuyên gia kiểm tra thực địa và đánh giá trồng rừng theo FSC

Ông Nguyễn Bình Minh, Phó Giám đốc dự án FORMIS cho biết, tháng 5/2013, Bộ NN-PTNT thông qua Tổng cục Lâm nghiệp triển khai dự án “Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp” giai đoạn II. Dự án FORMIS II đã giúp ngành lâm nghiệp xây dựng khung thông tin quản lý với những thông tin chính thống, thường xuyên được cập nhật, với công nghệ hiện đại. Chương trình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng sẽ thay đổi hoàn toàn về cách làm, cách quản lý. Lâu nay chúng ta vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công, rồi in ra cuốn sách hoặc văn bản thì nhưng từ thời điểm này sẽ được điện tử hóa các dữ liệu về tài nguyên rừng, đất rừng… Bất cứ ở đâu có mạng intenet là có thể truy cập và có thể kết xuất ra được những báo cáo theo yêu cầu.

Với hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp hiện đại, những thông tin về diễn biến rừng được số hóa, chính xác, minh bạch, sẽ đem lại những hiệu quả to lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Trong giai đoạn 2 của dự án, cụ thể là 5 năm trở lại đây, Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ khoảng 9.7 triệu Euro để hỗ trợ thực hiện dự án FORMIS II. Nguồn tài trợ này được sử dụng để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, máy móc trang thiết bị CNTT phục vụ cho ngành lâm nghiệp.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo một cách chuyên sâu. Thông qua các khóa đào tạo được dự án tổ chức, hàng ngàn cán bộ kiểm lâm đã được tập huấn sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng nói riêng cũng như về có kiến thức về hệ thống nền FORMIS nói chung.

Trong thời gian qua, dự án đã xây dựng được một số phần mềm ứng dụng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến phần mềm cập nhật diễn biến rừng, hệ thống chia sẻ dữ liệu ngành lâm nghiệp, hệ thống thông tin quản lý ngành chế biến lâm sản.

Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ việc tích hợp dữ liệu cũng như một số ứng dụng của các bên thứ ba vào hệ thống nền FORMIS. Trong phạm vi gần 10 năm trở lại đây, do vậy, bây giờ là thời điểm để chúng ta nhận thấy những kết quả hữu hình cũng như bền vững mà dự án đem lại.

Đến thời điểm này, FORMIS II đã chuyển giao tới tất cả cơ quan quản lý lâm nghiệp trên toàn quốc tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng kiểm lâm từ cấp trung ương đến cấp địa phương trên phạm vi 550 huyện có rừng tại 60 tỉnh có rừng.

Hiệu quả bền vững

Bà Annika Kaipola, Tham tán ĐSQ Phần Lan tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam từ những năm 90 và ngày càng được mở rộng, thay đổi tùy theo tình hình thực tế nhu cầu tại Việt Nam. Dự án FORMIS đã được chính phủ Phần Lan hỗ trợ xây dựng, gồm hai giai đoạn với 10 năm triển khai hợp tác.

imges1018621-gt112023503
Khai thác gỗ rừng trồng

Thành quả lớn nhất dự án đạt được đó là lần đầu tiên ở Việt Nam có một hệ thống thông tin và dữ liệu của về tài nguyên rừng được cập nhật, và dữ liệu này được các ban ngành lâm nghiệp chia sẻ từ cấp trung ương cho tới các cấp địa phương.

Đây cũng là lần đầu ở Việt Nam có số liệu tài nguyên rừng được số hóa và số liệu diễn biến rừng được cập nhật với độ chính xác cao, đáng tin cậy. Ngoài ra, dự án cũng đã rất thành công trong việc xây dựng được hệ thống chia sẻ dữ liệu ngành lâm nghiệp, cho phép tất cả mọi người trên thế giới này.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, sẽ nỗ lực bằng nhiều biện pháp để sử dụng, làm chủ các phần mềm trong hệ thống tốt hơn, phục vụ hữu hiệu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

“Dự án của chúng tôi đang trong giai đoạn kết thúc và chuyển giao và gần như đã chuyển giao cho phía Việt Nam làm chủ được ứng dụng này. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, thông qua dự án này được thế chế hóa, nâng cao năng lực để tiếp nhận, phát triển lớn mạnh hơn nữa”, ông Ngãi chia sẻ.