Trung Quốc: Đình chỉ nhập khẩu tôm Ecuador do nghi ngờ mẫu tôm chứa virus corona

Gần 1 tháng sau khi tuyên bố ổ dịch Covid-19 mới bùng phát tại Bắc Kinh có nguồn gốc từ cá hồi nhập khẩu, mới đây chính quyền Trung Quốc lại tiếp tục tạm dừng nhập khẩu tôm từ Ecuador với lý do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm.

Theo Hải quan Trung Quốc (GAC), các mẫu tôm nhập khẩu được xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus corona.

Trước đó, 24h ngày 9/7/2020, các trạm hải quan trên toàn Trung Quốc đã thu gom 227.934 mẫu tôm, theo Bi Kexin, Giám đốc Cơ quan quản lý an toàn xuất nhập khẩu, thuộc Hải quan Trung Quốc. Trong số này, có 43.964 mẫu sản phẩm, 137.568 mẫu lô hàng và 36.402 mẫu hàng phụ cận. Trong đó, có một mẫu do Hải quan Dalian lấy từ một container chở đầy tôm thẻ đông lạnh do Công ty Industrial Pesquera Santa Priscila S.A sản xuất và các mẫu thu gom từ 3 lô hàng của công ty Empacreci S.A được xét nghiệm dương tính trong các mẫu thử axit nucleic vào ngày 7/7/2020. Cùng ngày, Hải quan Xiamen đã phát hiện các mẫu từ 2 lô hàng của Công ty Empacadora Del Pacifico Sociedad Anonima Edpacif S.A, Ecuador cũng chứa virus corona.

Ảnh minh họa

Theo ông Kexin, Hải quan Trung Quốc đã quyết định đình chỉ chứng nhận đăng ký và nhập khẩu của 3 công ty Ecuador gồm Industrial Pesquera Santa Priscila S.A., Empacreci S.A. và Empacadora Del Pacifico Sociedad Anonima Edpacif S.A. để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu Chính phủ Ecuador tiến hành một cuộc điều tra và tăng cường giám sát toàn bộ các doanh nghiệp đang xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc. Kexin cho hay, Chính phủ Ecuador cần thúc giục các doanh nghiệp trên áp dụng các quy định trong “Covid-19 và Hướng dẫn an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp thực phẩm” – do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông nghiệp, lương thực  Liên hợp quốc (FAO) hợp tác phát hành.

Theo WHO, có rất ít tài liệu nghiên cứu khẳng định khả năng sống sót của virus SARS-CoV-2 bên ngoài cơ thể con người. Tuy nhiên, một tài liệu do WHO công bố trước đó vào tháng 4 lại khẳng định SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh Covid-19 ở người không lây nhiễm cho vật nuôi thủy sản hoặc sản phẩm thủy sản. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng khẳng định không có bằng chứng về việc thực phẩm, container chở thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm liên quan đến lây nhiễm và phát tán virus corona.

Đồng quan điểm với FDA, Chủ tịch Viện Thủy hải sản quốc gia Mỹ (NFI), ông John Connelly khẳng định sự an toàn của tôm nhập khẩu trong một bài phát biểu vào chiều thứ 6 ngày 9/7/2020. Theo ông, các chính phủ nên tuân theo hướng dẫn của WHO đã được tuyên bố trước đó về việc thực phẩm không có khả năng phát tán và làm lây lan Covid-19 và việc xét nghiệm thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm để tìm kiếm virus là điều mà chúng tôi không khuyến khích. Các chuyên gia y tế thế giới vẫn tiếp tục khẳng định con người sẽ không bị nhiễm virus corona từ thực phẩm đông lạnh hoặc bao bì thực phẩm.

Trong buổi họp báo công bố các kết quả thử nghiệm từ mẫu tôm, ông Kexin, đại diện Hải quan Trung Quốc khẳng định, việc phát hiện virus corona trên mẫu tôm không có nghĩa virus này lây lan nhưng điều đó phản ánh một lỗ hổng lớn trong thực hiện quy định an toàn thực phẩm tại các công ty xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Kexin cho biết thêm, Hải quan Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý nguồn gốc chuỗi thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc buộc tội một sản phẩm nhập khẩu chứa virus corona. Giữa tháng 6/2020, hơn 80 ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến chợ hải sản Xinfadi tại Bắc Kinh. Nhà quản lý chợ cho Beijing News biết virus được phát hiện trên những chiếc thớt gỗ tại một quầy bán cá hồi nhập khẩu. Kết quả, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu cá hồi từ các nước châu Âu, hàng loạt siêu thị dừng kinh doanh cá hồi. Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã xác nhận không có bằng chứng khẳng định cá hồi là vật chủ mang virus corona, nhưng những thiệt hại mà ngành cá hồi châu Âu phải gánh chịu từ lệnh cấm trên thực tế đã xảy ra. Ngày 25/6, xuất khẩu cá hồi tươi của Na Uy sang Trung Quốc giảm 97%.

Sau đó, chính quyền Trung Quốc cũng cấm thịt heo nhập khẩu từ một nhà máy chế biến tại Đức sau khi nhà máy này phát hiện nhiều công nhân dương tính với Covid-19. Chính quyền Trung Quốc cũng đình chỉ nhập khẩu từ cơ sở của Tyson Foods sau khi công nhân tại đây nhiễm virus.

Chỉ cách đây 1 tháng, Phòng Thương mại nông nghiệp quốc gia Ecuador vừa ký thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu hải sản Hoàng Hải Trung Quốc để nâng cao an toàn sinh học cho tôm. Còn chưa rõ lệnh cấm trên sẽ tác động thế nào đến ngành tôm Ecuador, nhưng trong năm ngoái Ecuador đã xuất khẩu 767 triệu pound tôm sang Trung Quốc, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD. Từ đầu năm, ngành tôm Ecuador đã chật vật vì Covid-19, nhưng đã phục hồi vào tháng 4 với lô hàng xuất khẩu 104 triệu pound, trị giá 255 triệu USD sang Trung Quốc.