Trồng sầu riêng trên đất phèn

Vùng đất ấp 3 (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) thuộc khu vực nông trường nhà nước giao khoán đất cho người dân sản xuất, vì là đất phèn nên cây trồng chủ yếu là cây khóm (dứa).

Nhiều nông dân sống trong vùng đất này cũng tự tìm tòi thử nghiệm các cây trồng mới để tăng thu nhập như anh Nguyễn Văn Dũng trồng 2 ha thanh long ruột đỏ, anh Nguyễn Văn Nam trồng mãng cầu ghép bình bát. Mỗi người đều có niềm say mê với mỗi loại cây trồng. Đặc biệt anh Phan Văn Cường, sinh năm 1971, đã trải qua nhiều khó khăn và trăn trở với cây khóm để rồi tìm cho mình cây trồng mới canh tác, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình là cây sầu riêng.

Qua tìm hiểu từ quê mình ở huyện Cai Lậy, năm 2011, anh Cường tiến hành phá 1 liếp khóm trồng thử vài chục gốc sầu riêng Ri6. Sau 1 năm chăm chỉ chăm sóc thấy cây phát triển tốt, anh mới thấy có lòng tin và mạnh dạn bỏ hết 1,2 ha khóm để trồng cây sầu riêng. Anh Cường chia sẻ: “Trồng sầu riêng vùng đất này, yêu cầu phải rất tỉ mỉ trong khâu làm đất, nhất là làm mô khoảng 1 tháng trước trồng, gồm xử lý vôi tạo mô 3 lần, sau đó lót phân gà oai xuống hố kích cỡ 50 x50 x50cm, vun mô cao 40cm. Hàng năm bón thêm phân hữu cơ và thêm đất để thành mô lớn, đủ cho cây sầu riêng phát triển”. Hiện nay, trên 3 liếp (luống) rộng 10 mét, anh trồng 125 cây sầu riêng Ri6. Mỗi mô trồng sầu riêng của anh có đường  kính 5,6m, cây cách cây 8m.

Anh Phan Văn Cường chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình

Hiện 125 cây sầu riêng đã bước qua năm thứ 6 và cho thu hoạch từ năm thứ 5. Thấy trái ngon, trong đợt tháng 4/2018, anh đậy bạt xử lý vụ nghịch, xiết nước, phun Pacclo, bón phân hữu cơ. Khoảng 1 tháng sau, cây ra hoa và sau 6 tháng cho thu hoạch.  Mỗi cây sầu riêng có từ 40 – 60 trái (quả), trái có trọng lượng trung bình 2,5 – 3 kg, cá biệt nhiều cây cho trái 5 -7 kg. Anh Cường cho biết, đợt này anh thu được hơn 9 tấn trái, năng suất sầu riêng như vậy là rất đạt và phẩm chất trái lại ngon, không bị sượng. Với giá bán từ 45.000 – 75.000 đồng/kg, anh thu về 360 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 75 triệu đồng, anh còn lãi  285 triệu đồng.

Nói về kinh nghiệm canh tác cây sầu riêng, anh chia sẻ “Điều đầu tiên là xử lý phèn bằng vôi. Sau đó mỗi năm bón phân, vun mô liếp thêm cho có tầng canh tác dày. Khi cây ra trái và sau thu hoạch cần bón phân hữu cơ như phân gà, phân bò, kết hợp phân hóa học cân đối thì cây sẽ cho năng suất cao”. Thật vậy với cách làm như trên, anh Cường đã đem lại nguồn thu nhập khá tốt cho gia đình, từ năm 2015, anh mua thêm 3 ha đất ở Bình Phước để trồng sầu riêng.

Hiện nay toàn huyện Tân Phước cũng có nhiều nông dân trồng sầu riêng.Thiết nghĩ cây sầu riêng là cây trồng đặc sản chịu chân đất phù sa, tầng canh tác dầy từ 1m trở lên, cây đòi hỏi có sự đầu tư chăm sóc tỉ mỉ, từ việc thuyết kế mương liếp, phân bón, xử lý ra trái đến phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy người nông dân cần tìm hiểu rõ kỹ thuật nhất là điều kiện đất đai, nguồn nước…trước khi quyết định đầu tư vào một cây trồng mới để mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.