Triển vọng lúa đặc sản

Đến thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh cánh đồng lúa đặc sản rộng lớn, vàng bông, trĩu hạt. 

Nông dân hồ hởi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua. Bởi đầu vụ doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu sản phẩm.

08-33-36_ngoi_r_giong_lu_dc_sn_dm_bo_duoc_khu_du_vo_den_khu_du_r

SX lúa đặc sản đảm bảo đầu ra

Anh Đinh Hoàng Nam, 38 tuổi, ngụ TX Ngã Năm cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng các giống lúa truyền thống, năng suất không cao và giá cả bấp bênh. Từ khi địa phương triển khai mô hình trồng lúa đặc sản thì năng suất cao hơn hẳn, sản phẩm cũng dễ bán hơn, ai nấy đều phấn khởi”.

Ông Thái Triều Tiên, 56 tuổi, ngụ TX Ngã Năm hồ hởi: “4 năm nay chúng tôi canh tác giống lúa đặc sản ST20 cho năng suất vượt trội. Đầu ra ổn định hơn, thương lái đến tận ruộng để thu mua với giá cao hơn 500 đồng/kg. Trồng lúa đặc sản chúng tôi không lo về đầu ra, ai cũng tích cực canh tác”.

TX Ngã Năm có khoảng 18.000ha lúa, trong đó tỷ lệ lúa đặc sản chiếm từ 65 – 75%. Giống được người dân địa phương chuyên canh như ST5, ST20, ST24, lúa thảo dược (lúa cẩm hay còn gọi là lúa đen), Đài thơm 8…

Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng trạm Khuyến nông TX Ngã Năm cho biết: “Điểm mạnh của các giống lúa này là giá cao hơn thị trường từ 20 – 25% so với các giống truyền thống. Năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha. TX Ngã Năm là vùng chuyên lúa. Những năm trở lại đây, người dân dần thấy được lợi ích thâm canh lúa đặc sản…”.

Chủ một DN chuyên kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng lúa gạo ở TX Ngã Năm cho biết, DN luôn tạo mọi điều kiện để nông dân địa phương canh tác các loại giống lúa đặc sản. Đầu vụ DN hỗ trợ giống đạt tiêu chuẩn để nông dân canh tác. Các hộ ký cam kết bán sản phẩm cho DN sau khi thu hoạch.

Việc trồng và phát triển lúa đặc sản tại TX Ngã Năm là một điển hình. SX, cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị có sự liên kết của doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, cần nhân rộng.