TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ trong thời gian dài

Nhiều nhà sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến cuối năm. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hóa, tránh tụ tập đông người trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Trước thông tin Hà Nội và các tỉnh thành ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID – 19, thị trường tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng và xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ với số lượng lớn.

Chú thích ảnh
Các siêu thị đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân từ nay đến cuối năm.

Đại diện một số siêu thị tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sức mua các mặt hàng lương thực thực phẩm, mặt hàng thiết yếu vài ngày gần đây tăng từ 30 – 40% so với ngày bình thường. Tuy nhiên, đa số các siêu thị đều khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, có thể cung cấp liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố đến hết quý 2/2020, cũng như chuẩn bị nguồn hàng trong 6 tháng cuối năm 2020. Việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, đơn vị luôn dự trữ lượng hàng hóa rất lớn, ngang bằng với việc dự trữ hàng vào dịp Tết Canh Tý vừa qua. Các mặt hàng đặc thù như gel rửa tay, khẩu trang luôn được sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, đơn vị cũng đảm bảo thời gian hoạt động của toàn bộ hơn 800 điểm bán. Một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường bán hàng qua điện thoại, qua website thương mại điện tử để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mua sắm và hạn chế tụ tập nơi đông người trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng rau củ, quả tại các chợ truyền thống vẫn khá phong phú để phục vụ người dân trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Tương tự, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong hai ngày 9 và 10/3, một số mặt hàng đồ khô như mì tôm, gạo, nước mắm….cũng có sức mua tăng cao, từ 3-4 lần so với bình thường. Chị Lê Thị Hoa, chủ cửa hàng đồ khô tại chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức), cho biết 3 – 4 ngày nay, sức mua của các mặt hàng đồ khô khá tốt. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này vẫn được giữ nguyên, chưa tăng giá so với thời điểm trước tết.

Không chỉ đồ khô, mặt hàng gạo cũng rất bán chạy. Chị Đỗ Thanh Nga, chủ cửa hàng gạo miền Tây tại chợ Phước Long B (quận 9) cho hay, bình thường cửa hàng chị chỉ bán được khoảng 10 – 20 kg gạo cho một khách hàng, nhưng vài ngày gần đây, đa phần khách hàng mua gạo với số lượng lớn, từ 50 kg đến 200 kg/người.  “Người dân đang lo lắng hơi quá. Với kinh nghiệm hơn 15 năm bán gạo, tôi thấy gạo Việt Nam không thiếu, lúc nào cũng dồi dào, phong phú vì nước ta là vựa lúa của thế giới và hàng năm xuất khẩu đi rất nhiều nước. Tôi cho rằng, người dân cần bình tĩnh, không cần tích trữ gạo quá nhiều và gạo để lâu sẽ nấu không ngon cơm bằng gạo mới ”, chị Nga nói.

Cung cấp thông tin những mặt hàng về các chợ lẻ, đại diện một số chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, hàng về chợ đang khá ổn định, đủ cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận. Cụ thể, tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, lượng rau rau củ, quả về chợ khoảng 1.836 tấn/đêm, trái cây 509 tấn, thịt heo 236 tấn. Giá cả các mặt hàng khá ổn định, cụ thể giá thịt lợn dao động từ 74.000 – 150.000/kg, tùy loại; cải thảo 9.000 đồng/kg, bông cải dao động từ 22.000 – 28.000 đồng/kg, cà rốt 8.000 đồng/kg, dưa leo 15.000 đồng/kg,… Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng hàng cũng khá phong phú với nhiều mặt hàng chưa tăng giá như: cải thảo có giá 12.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg, dưa leo 17.000 đồng/kg, bông cải 21.000 đồng/kg,…

Chú thích ảnh
Mặt hàng thịt lợn được bày bán không thiếu tại các chợ lẻ trên cả nước.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay khi có thông tin, một bộ phận người dân mua hàng với số lượng lớn; Sở đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn, chỉ đạo đảm bảo nguồn hàng luôn đầy đủ trên kệ, không để thiếu hàng gây hoang mang cho người dân. Với các nhà sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, cũng phải chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.

Theo CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), hiện mặt hàng thịt lợn cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp cũng khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2/2020 và đảm bảo không tăng giá đến cuối năm. Đối với mặt hàng gia cầm, sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 – 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ của các năm trước. Ngoài ra, có không ít doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2 – 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, giá cả ổn định trong thời gian dài. Đối với mặt hàng gạo, doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới.

“Người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang thị trường. Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người. Trong đó, nên lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng thiếu đảm bảo” bà Trang cho biết thêm.