Tôm sinh thái Cà Mau: Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Là một trong 5 tỉnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và là một trong ba tỉnh dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng; nhưng với vai trò mũi nhọn, quan trọng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh, nghề nuôi tôm của Cà Mau đã phát triển khá mạnh trong thời gian qua với nhiều loại hình nuôi; trong đó, nuôi tôm sinh thái được xem là mô hình nuôi bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân và thích ứng với BĐKH.

Hiện, Cà Mau có trên 80.000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng, có hơn 14.000 ha được chứng nhận nuôi tôm sinh thái và diện tích này đang tiếp tục mở rộng. Năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái trung bình 300 – 350 kg/ha/năm, giá bán cao hơn 15 – 20% so các loại tôm nuôi khác.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất tôm – lúa của tỉnh trên 40.000 ha, hiện đang triển khai thực hiện dự án để chứng nhận tôm hữu cơ trên diện tích 400 ha; thực tế đã khẳng định sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa trung bình 350 – 400 kg/ha/năm, cao hơn khoảng 15 – 20% so mô hình nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa. Ngoài ra, Cà Mau còn có hơn 50.000 ha nuôi tôm kết hợp các đối tượng nuôi khác như tôm – cua, tôm – cá, tôm – sò huyết…

Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 diện tích tôm – lúa được chứng nhận hữu cơ khoảng 5.000 ha – Ảnh: Diệu Lữ

Đặc điểm của loại hình nuôi tôm sinh thái với sản phẩm tôm nuôi mang đậm chất tự nhiên, sinh thái; loại hình nuôi này chủ yếu người nuôi chỉ cải tạo, sên vét và thả tôm giống với mật độ thưa, tôm nuôi phát triển dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, sản phẩm thu hoạch thường có kích cỡ lớn, chất lượng cao, ATTP, có khả năng đáp ứng cho nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nhật… Với các ưu thế nổi trội, sản phẩm tôm nuôi sinh thái tại Cà Mau góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tôm quốc tế.