Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vụt tăng

Bên cạnh nhiều thị trường mới được mở ra, Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vẫn là thị trường XK chủ lực và tiềm năng của mặt hàng trái cây Việt Nam. 

16-09-04_cu-khu-tn-thnh_lslc
Dưa hấu chờ XK sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh

Các DN và địa phương trong nước cũng ngày càng coi trọng, tập trung hơn cho thị trường này, đặc biệt cần thay đổi quan điểm cho rằng đây là thị trường dễ tính.

Với hơn 58 triệu dân, Quảng Tây hiện là địa bàn XK chủ lực của nông sản Việt Nam, trong đó, trái cây là mặt hàng XK có tốc độ tăng trưởng rất mạnh qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua.

Năm 2017, tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 3 tỉ USD (tăng 22% so với năm 2016). Trong số này, riêng các mặt hàng nông sản chiếm tới 2,4 tỉ USD (chiếm 80% tổng kim ngạch XK), tăng tới 120% so với năm 2016. Đây là những con số cho thấy nông sản đang ở thế áp đảo hoàn toàn trong cơ cấu kim ngạch XK và đang có tốc độ tăng trưởng nhảy vọt theo thời gian, đặc biệt là mặt hàng trái cây.

Cụ thể, trong tổng số khoảng 3 triệu tấn nông sản được XK sang Trung Quốc qua địa bàn Lạng Sơn năm 2017, các mặt hàng trái cây chiếm gần như tuyệt đại đa số. Trong đó thanh long hiện vẫn là mặt hàng XK chủ lực nhất với khoảng 400-500 nghìn tấn/năm. Đối với nhãn và vải (quả tươi), tổng lượng XK từ con số 277 nghìn tấn năm 2015 đã tăng lên 362 nghìn tấn năm 2016 (năm 2017, do mất mùa vải, nhãn ở phía Bắc nên lượng XK chỉ đạt 222 nghìn tấn).

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phấn khởi cho biết: Ngay những tháng đầu năm 2018, tình hình XK các mặt hàng trái cây tiếp tục có những tín hiệu rất đáng mừng. Có thời điểm 10 ngày liên tục, mỗi ngày trung bình có khoảng 2.000 xe trái cây được XK sang Trung Quốc, chủ yếu thanh long, dưa hấu và nhiều loại hoa quả khác. Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, ước một ngày có khoảng 1.500 xe qua cửa khẩu. Cụ thể, trong 10 ngày từ 5-15/4/2018 đã có 14.138 lượt xe XK trái cây, trong đó riêng 3 cửa khẩu chính chiếm 11 nghìn lượt/ngày (Hữu Nghị 500 xe/ngày, Cốc Nam 284 xe/ngày, và Tân Thanh gần 400 xe/ngày)…

Để tạo điều kiện cho việc XK nông sản, Lạng Sơn cũng đang xúc tiến đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng. Hiện 3 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ tại Lạng Sơn đã được đầu tư toàn bộ đường giao thông, hạ tầng bến bãi, nhà làm việc của các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch… Hiện Lạng Sơn cũng đã phê duyệt và đã có nhà đầu tư để xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa (trong đó trọng tâm là nông sản, trái cây) rộng 147ha tại Đồng Đăng. Đây sẽ là nơi tập trung cho sơ chế, đóng gói, có đầy đủ các lực lượng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch để giải quyết các thủ tục thông quan cho hàng nông sản Việt Nam.

Cũng theo ông Trưởng, bên cạnh những cơ hội và triển vọng rất lớn cho nông sản Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, phía Trung Quốc cũng sẽ tăng cường việc áp dụng các quy định để từng bước đưa hoạt động XNK nông sản từ Việt Nam đi vào chính ngạch, có kiểm soát.

Tại hội nghị thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ vải, nhãn cho các tỉnh phía Bắc diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: 4 tỉnh trọng điểm về vải, nhãn gồm Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Sơn La mỗi tỉnh phải xây dựng riêng một kịch bản, kế hoạch tiêu thụ một cách cụ thể, chi tiết và sớm hơn mọi năm. Đồng thời tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ ở đa dạng các nhóm thị trường, cả trong nước và XK. Tinh thần trong việc tiêu thụ đối với kênh XK hiện nay, đó là xem mọi thị trường đều có những khó khăn như nhau, chứ không còn quan điểm thị trường nào khó tính hay dễ tính.

Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết trong vụ thu hoạch tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng tập trung cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cả về hạ tầng, vận tải, thủ tục thông quan cho vải, nhãn XK…

 

Với hơn 11 nghìn ha nhãn, tỉnh Sơn La đang gấp rút triển khai các giải pháp tiêu thụ. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có chuyến thăm và tham khảo thị trường tiêu thụ nhãn tại Trung Quốc, qua đó cho thấy nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng đối với nhãn của Việt Nam, nhu cầu vô cùng lớn. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của thị trường này cũng chưa phải quá khắt khe.

“Bên cạnh việc mở rộng các thị trường khác, chúng tôi xác định Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường thuận lợi và tiềm năng nhất cần phải xúc tiến để XK quả nhãn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có lợi thế rất lớn về vận tải do gần biên giới” – ông Khánh nhấn mạnh.

Theo Nongnghiep.vn