Xuất khẩu tôm sang EU tăng 6,4%

Tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2016, XK tôm sang EU trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước với giá trị đạt 118,8 triệu USD. Trong quý đầu năm nay, EU vẫn duy trì là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 19,2% tổng XK tôm đi các thị trường.

Xuất khẩu tôm sang EU tăng 6,4%

Ảnh minh họa

Anh, Hà Lan và Đức là 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU. XK tôm sang Anh – thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam trong khối EU – 3 tháng đầu năm nay giảm 2,8% đạt 27,8 triệu USD. Sau khi tăng trưởng mạnh suốt cả năm 2015 và 3 quý đầu năm 2016, XK tôm sang Anh trong quý cuối cùng của năm 2016 giảm 3,9%. Bước sang năm 2017, XK sang thị trường này tăng trưởng dương trong tháng 1 và 2 trước khi giảm trong tháng 3. Mặc dù nhu cầu tôm nước ấm ở Anh vẫn tốt do giá phải chăng và nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm nhưng tác động của sự kiện Brexit khiến XK tôm Việt Nam sang Anh không ổn định, tăng giảm thất thường.

Giống như Anh, XK tôm sang Đức giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2016 đạt 18,4 triệu USD.

Trong 3 thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong khối EU, XK sang Hà Lan tăng trưởng tốt nhất 82,5% đạt 26,5 triệu USD. Hà Lan hiện là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối EU. XK tôm Việt Nam sang Hà Lan tăng trưởng liên tục trong năm 2016. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2017, XK tôm sang thị trường này luôn tăng trưởng ở mức 2-3 con số so với cùng kỳ năm 2016.

Hà Lan chủ yếu NK tôm chân trắng từ Việt Nam với tỷ trọng tôm chân trắng XK sang thị trường này chiếm 69% tổng XK; tôm sú chiếm 21%. Đối với các sản phẩm tôm chân trắng, giá trị XK tôm chân trắng chế biến (HS 16) sang Hà Lan luôn cao hơn tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03). Đối với các sản phẩm tôm sú, Hà Lan ưa chuộng tôm sú sống/ tươi/đông lạnh (HS 03) hơn tôm sú chế biến (HS 16).

Năm 2016, top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Hà Lan gồm Ấn Độ (chiếm 17,6% tổng NK tôm của Hà Lan); Việt Nam (chiếm 15,6%); Morocco (chiếm 12,3%); Bangladesh (12,2%) và Đức (8%).

Trong số 2 nguồn cung tôm lớn nhất cho Hà Lan (Ấn Độ và Việt Nam), năm 2016, Hà Lan có xu hướng NK tôm từ Việt Nam nhiều hơn là do sản phẩm chất lượng ổn định và các DN XK Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi XK sang đây.

tom Viet nam

Ảnh minh họa

Ba nguồn cung tôm chính cho EU trong năm 2016 là Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm XK tôm cho EU, Ecuador và Việt Nam ngày càng tăng cường XK tôm thị trường này. Ecuador là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường EU. Ecuador có nhiều lợi thế về nuôi tôm so với Việt Nam với nguồn giống chất lượng tốt có khả năng kháng bệnh cao. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Ecuador và EU và có hiệu lực từ ngày 01/1/2017. FTA này dự kiến làm tăng khả năng cạnh tranh của tôm chân trắng Ecuador so với các nhà cung cấp khác trong năm 2017 do được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.

EU được coi là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam do nhu cầu ổn định và DN XK sang đây được hưởng ưu đãi thuế GSP trong khi Ấn Độ- đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này không được hưởng.

Trong thời gian tới, Châu Âu vẫn là thị trường nhạy cảm về giá và nhu cầu đối với tôm giá rẻ vẫn tăng ở các thị trường thuộc khối này. Nhu cầu tôm giá hợp lý như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm.

Ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc. Trước đây, EU chủ yếu NK tôm HOSO tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng NK nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị hoặc xiên que.

DN XK sang EU cần chú ý thực thi các quy định NK về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến để có thể cung cấp cho nhà NK về hoạt động giám sát trong toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời, DN cũng nên có sự đầu tư vào các chứng nhận cho hoạt động sản xuất chế biến của mình, đưa ra các hoạt động cụ thể để hỗ trợ cộng đồng và môi trường vì đây được coi là những chiến lược kinh doanh với đối tác EU.

Theo Vasep