Vải sạch hút khách

Do chọn tạo được giống vải ngon và chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nên nhiều chủ vườn tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn bán được giá cao. Riêng năm nay, hàng chục hộ dự kiến thu về cả trăm triệu đồng từ vườn quả ngọt.

13-39-37_20180612143424-img-4314

Thu hoạch vải VietGAP tại xã Hồng Giang

Thời điểm này, vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch rộ và đây cũng là giống ngon nhất. Giống này cho quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày. Chọn tạo được giống chuẩn, kiên trì áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của người làm vườn, cây đã cho quả chất lượng, mã vượt trội, luôn bán được giá cao.

Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, giá bán vải VietGAP, GlobalGAP bình quân 20 – 25 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg so với vải thông thường.

Thăm khu trồng vải GlobalGAP của gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, ai nấy đều thích thú khi ngắm những chùm quả đỏ rực, sai trĩu. Quả nào cũng to đều nhau, vị ngọt lịm.

Nhanh tay bẻ chùm quả bán cho thương nhân thu mua sản phẩm xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Quyên phấn khởi: “Từ đầu mùa đến nay, gia đình tôi bán gần một tấn quả với giá 22 nghìn đồng/kg. Dự kiến còn hơn 10 tấn nữa, ước cả vụ thu khoảng 200 triệu đồng”.

Không chỉ vụ này, năm ngoái hộ anh Quyên cũng thu được hàng trăm triệu đồng từ vải thiều, thậm chí có thời điểm quả tại vườn được bán với giá lên tới 60 – 65 nghìn đồng/kg.

Tương tự, ông Hoàng Ngọc Hiền, thôn Ngọt (cùng xã) có 1,3ha vải GlobalGAP, ước đạt khoảng 17 tấn quả. Hiện cây mới có vài chùm quả chín lác đác nên ông chưa bán. Vườn vải đã được nhiều thương nhân đến thăm, trả giá 20 – 25 nghìn đồng/kg, dự kiến bắt đầu thu hái vào đầu tuần tới. 

Được biết, vùng vải xuất khẩu sản xuất theo quy trình tiên tiến luôn là địa chỉ khá hút khách, được nhiều thương nhân trong nước lựa chọn tìm đến. Đơn cử, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) trong ngày 12/6 đã thu mua hơn 2 tấn vải thiều VietGAP, GlobalGAP tại xã Hồng Giang để chào hàng tại Mỹ, Hà Lan. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Cty, nhiều năm xuất khẩu trái cây bà nhận thấy vải thiều luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Vì vậy, năm nay ngoài khai thác tốt thị trường truyền thống, đơn vị mở rộng sang nước khó tính, từng bước phát triển hệ thống tiêu thụ. Riêng Trung tâm Thương mại SaiGon Co.op (TP Hồ Chí Minh) đã thu mua hơn 170 tấn vải thiều VietGAP đưa vào các cửa hàng, siêu thị trong hệ thống. Trung tâm đang chuẩn bị các điều kiện để xuất khẩu vải sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, Canada. 

Ở Lục Ngạn có nhiều giống vải gồm: U hồng, u trứng, u thâm, chính vụ và vải lai Thanh Hà. Trong đó, giống ngon nhất vẫn là vải thiều chính vụ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vậy nhưng cũng giống vải ấy khi áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP lại được giá cao hơn hẳn, lợi thế này không chỉ được khẳng định ở vụ vải 2018 mà trong nhiều năm trước đó. Vì thế, diện tích vải VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng quy mô. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 12 nghìn ha vải VietGAP, GlobalGAP, tăng 1 nghìn ha so với năm ngoái. 

Thực tế, người tiêu dùng có nhu cầu cao sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn. Trong khi một số loại vải thông thường giá rẻ hơn nhiều song họ vẫn sẵn sàng mua sản phẩm VietGAP, GlobalGAP về sử dụng.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang đánh giá: “Đây là tin vui đối với người sản xuất; động lực, khích lệ người sản xuất chăm sóc, thực hiện theo quy trình tiên tiến, bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Rõ ràng, người tiêu dùng đã thay đổi xu hướng, chuộng sản phẩm chất lượng cao dù giá đắt hơn”.

Ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang chia sẻ, qua mùa vụ này, người dân sẽ có sự so sánh. Cùng là vải thiều, vậy mà giá có sự chênh lệch lớn thì bản thân người làm vườn phải nhìn nhận lại. Từ đây, chính họ sẽ chuyển biến trong khâu chăm sóc để sản phẩm không bị xếp vào cấp thấp”. 

Sản xuất an toàn, nhất là VietGAP, GlobalGAP là xu hướng tất yếu của nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Bởi lẽ, nếu canh tác cứ manh mún, truyền thống mà không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì không thể phát triển bền vững.

Hơn nữa, đối tác chính trong thu mua vải của Bắc Giang là thị trường Trung Quốc bước đầu có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vải thiều khi xuất khẩu. Yếu tố này là rào cản nhưng cũng là điều kiện thúc đẩy chính quyền, cơ quan chuyên môn và người dân đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Quy trình trồng vải VietGAP, GlobalGAP sẽ tiếp tục được áp dụng rộng hơn trong những năm tiếp theo.

Theo Nongnghiep.vn