Bản tin thị trường lúa gạo tuần 49 (02-09/12/2017)

Giá gạo tấm 5% Thái Lan vẫn giữ ở mức cao 412 USD/tấn, giá gạo Ấn Độ tăng nhẹ. Bangladesh tiếp tục nhập khẩu gạo để tăng dự trữ và ổn định giá gạo trong nước.

22(49)

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Trong tuần, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ổn định ở mức 412 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 9,86% so với cùng kì năm ngoái.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng 5 USD/tấn, đạt mức 390 USD/tấn, tương đương tăng 1,3% so với tuần trước. Mức giá này cao hơn cùng kì năm ngoái khoảng 8,3%.

Giá gạo 5% tấm của Pakistan là 375 USD/tấn, giảm 3,8% so với tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Campuchia là 435 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.

MỘT SỐ SỰ KIỆN TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG GẠO QUỐC TẾ

Xuất khẩu gạo Pakistan từ tháng 7 đến tháng 10 đạt 457,66 triệu USD, cao hơn 16,87% so với mức 391,595 triệu USD vào cùng kì năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu đạt 137,423 triệu USD, cao hơn mức 96,306 triệu USD của tháng trước, nhưng giảm 7,71% so với tháng 10/2016.

Mức chào giá thấp nhất trong vụ đấu thầu 30.000 tấn gạo của Iraq là 305 USD/tấn (giá CIF), gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Iraq vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, vụ đấu thầu này kéo dài đến 10/12/2017. Mức chào giá từ Pakistan là 445 USD/tấn, Thái Lan là 459 USD/tấn, Mỹ là 667 USD/tấn, Agrentina là 575 USD/tấn, Uruguay là 591 USD/tấn, Paraguay là 569 USD/tấn, Việt Nam là 573 USD/tấn (giá CIF).

Bangladesh sẽ nhập khẩu 150.000 tấn gạo từ Ấn Độ với mức giá 440 USD/tấn. Mức giá này đã bao gồm cả chi phí vận chuyển, bảo hiểm và các chi phí liên quan khác. Do ảnh hưởng của lũ lụt vào đầu năm, Bangladesh – nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới đã phải nhập khẩu gạo liên tục để bổ sung nguồn gạo dự trữ và ổn định giá gạo trong nước. Chỉ riêng từ tháng 7 đến 11 năm nay, Bangladesh đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo. Từ nay tới tháng 6/2018, chính phủ Bangladesh vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo theo hình thức đấu thầu.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Giá lúa IR50404 (khô) đạt 5.200 đồng/kg, không đổi so với tuần trước. Giá lúa IR50404 (khô) tại Sóc Trăng vẫn giữ ở mức 5.500 đồng/kg, tại An Giang là 6.000 – 6.100 đồng/kg, tại Tiền Giang là 5.700 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, giá lúa OM 6976 (khô) đạt 6.000 đồng/kg, không đổi so với tuần trước. Giá lúa jasmine (khô) tại Cần Thơ giữ ở mức 7.400 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.

MỘT SỐ SỰ KIỆN TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG GẠO TRONG NƯỚC

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT, tính đến ngày 30/11/2017, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông được khoảng 800.000 trên tổng số 810.000 ha theo kế hoạch, đã thu hoạch được khoảng 600.000 ha với năng suất khoảng 5,3-5,4 tấn/ha. Vụ Đông Xuân 2017-18 đã xuống giống khoảng 420.000 ha trên tổng số 1,650 triệu ha theo kế hoạch.

Sáng ngày 1/12 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn "Sản xuất lúa phát thải thấp – cơ hội đầu tư” với sự tham gia củacác chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ (CGIAR, CCAFS, CCAC..) cùng một số doanh nghiệp. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nghiên cứu khả thi các phương án đầu tư sản xuất lúa phát thải thấp góp phần rất lớn vào thúc đẩy thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo”, hỗ trợ luận cứ để hoàn thiện các đề xuất đầu tư, tiếp cận các nguồn tài chính cho các dự án đầu tư sản xuất lúa phát thải thấp phù hợp với lộ trình tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2030. Các dự án này hướng đến mục tiêu nâng cao lợi nhuận cho nông dân và đảm bảo thực hiện các mục tiêu về môi trường.

Theo Trung tâm Tin Học Thống kê – Bộ NN-PTNT