Thanh long Bình Thuận không bị động trước thách thức truy xuất nguồn gốc

Mặc dù cả nước hiện chỉ có khoảng 40.000ha thanh long, nhưng kim ngạch XK đã chiếm đến 1,1 tỷ USD. Trong đó Bình Thuận là thủ phủ thanh long với khoảng 28.000ha, sản lượng mỗi năm khoảng 500.000 tấn.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với thanh long Việt Nam.
13-32-46_1
Hiện nay nhiều DN XK thanh long chính ngạch ở Bình Thuận làm tốt việc truy xuất nguồn gốc

Trước đây XK thanh long sang thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nông dân ít chú trọng thực hành nông nghiệp tốt: VietGAP, GlobalGAP… Còn DN thu mua XK cũng không quan trọng về tiêu chuẩn thanh long. Bây giờ thì cần phải thay đổi cách làm, tuân thủ canh tác tốt, quy định về nhãn mác xuất xứ đáp ứng thị trường các nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Không bị động

Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, hầu hết thanh long Bình Thuận đều phục vụ cho XK, trong đó khoảng 80% sản lượng xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên trước thông tin từ các cơ quan quản lý Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu truy xuất nguồn gốc qua các cửa khẩu nhập hoa quả thuộc địa bàn Quảng Tây, tỉnh cũng như ngành nông nghiệp Bình Thuận đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn thông tin và cảnh báo cho nông dân biết về vấn đề này, đồng thời tăng cường tập huấn, hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP.

Cũng theo ông Tấn, với yêu cầu của thị trường chắc chắn nông dân trồng thanh long phải tuân thủ. Bởi, không ai cứu mình bằng chính mình. Muốn vậy, bà con phải quyết tâm theo định hướng của ngành nông nghiệp là đầu tư canh tác theo hướng đảm bảo VSATTP, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm phục vụ tiêu dùng và XK.

Đối với các DN XK thanh long tại Bình Thuận, ghi nhận của PV NNVN thì việc truy xuất nguồn gốc không hề ảnh hưởng và khó khăn gì. Bởi các doanh nghiệp XK thanh long với quy mô lớn như Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, Cty TNHH MTV Rau quả Bình Thuận từ trước đến nay vẫn luôn chú trọng nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa các Cty này chủ yếu xuất khẩu chính ngạch.

13-32-46_2
Để đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc đáp ứng thị trường Trung Quốc tới đây, nông dân phải SX theo VietGAP
Ông Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết: Về việc Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả NK là việc làm bình thường của các nước NK, nhằm đảm bảo VSATTP. Sở đang tham mưu UBND tỉnh đề nghị một số cơ quan chức năng của tỉnh tập trung một số nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, Sở NN-PTNT không ngừng chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời đề nghị Sở TT-TT thông tin kịp thời cho các DN để tránh rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Đối với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cần tuyên truyền, phổ biến thông tin này đến các thành viên hiệp hội, các doanh nghiệp có xuất khẩu thanh long liên kết với các tổ nhóm hình thành theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc. Sở Khoa học Công nghệ giúp đỡ các DN, cơ sở xuất khẩu thanh long về hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đảm bảo đúng nội dung nhập khẩu.

Như vậy, việc ảnh hưởng hay chăng chính là các DN xuất khẩu tiểu ngạch, các vựa thanh long nhỏ lẻ? Thế nhưng, qua trao với ông Đỗ Văn Dũng, GĐ Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ XNK Bé Dũng, xã Mương Mán, Hàm Thuận Nam, có hơn 10 năm thâm niên XK thanh long sang thị trường Trung Quốc thì việc đóng gói, truy xuất nguồn gốc không có gì khó khăn.

Theo ông Dũng, hiện Cty XK sang thị trường Trung Quốc mỗi năm từ 400-500 tấn thanh long. Việc đóng gói, nhãn mác Cty vẫn làm, cụ thể, thanh long sau khi thu mua về được phân loại, rửa sạch sau đó đóng vào thùng 18kg (khoảng 30-32 quả) và dán tem của Cty.

Do đó, nếu thị trường Trung Quốc yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, thì Cty tuân thủ và làm được. Cty sẽ liên kết với nông dân sản xuất thanh long chuẩn VietGAP để thu mua.

Còn về phía nông dân trồng thanh long, theo ông Nguyễn Tánh, Tổ trưởng nhóm thanh long VietGAP Thắng Lợi, thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc), cho biết, thông tin việc truy xuất nguồn gốc hoa quả XK sang Trung Quốc ông đã được nghe trên các phương tiện truyền thông gần đây. Nông dân trong HTX sẽ dễ dàng làm được vì đã có nền tảng trong sản xuất VietGAP.

Do đó, nếu DN thu mua thanh long VietGAP nhích từ 1-2 ngàn đồng/kg so với SX thông thường chắc chắn nông dân đăng ký tham gia.

Được biết, tổ thanh long VietGAP Thắng Lợi có 38 hộ tham gia, nhưng đến thời điểm này đã “rơi rớt” còn 16 hộ, với 25ha. Lý do là bà con đã thực hiện VietGAP 8 năm nay, nhưng chưa có DN thu mua nào dựa trên tiêu chí VietGAP để lựa chọn sản phẩm.

Sẽ tiến hành dán tem

Theo ông Phan Văn Tấn, Sở NN-PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh SX thanh long VietGAP, GlobalGAP. Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 262ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGAP và 9.500ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP.

Theo kế hoạch, cuối năm 2018, toàn tỉnh sẽ nâng diện tích SX thanh long VietGAP lên đến gần 9.800ha, tuy nhiên ngành nông nghiệp phấn đấu đạt 10.000ha.

13-32-46_4
Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc

Bên cạnh đó, từng bước phối hợp chuyên môn hỗ trợ nông dân dán tem truy xuất nguồn gốc. Để làm được điều này, sắp tới Sở sẽ phối hợp VNPT Bình Thuận cung cấp mã vạch cho một số mô hình làm điểm, sau đó nhân rộng.

Đồng thời Sở phối hợp với Sở Công Thương vận động DN, liên kết những người sản xuất thanh long VietGAP, đáp ứng theo yêu cầu các nước nhập khẩu.

Liên quan vấn đề này, Sở Công thương Bình Thuận cũng đã lập tức có văn bản đề nghị các địa phương, Sở NN-PTNT, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thông báo bằng các hình thức phù hợp để các DN sản xuất kinh doanh nông sản, hoa quả trên địa bàn tỉnh có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc biết thông tin. Đồng thời, đề nghị các DN chủ động phối hợp với các DN nhập khẩu Trung Quốc khi làm thủ tục khai báo hải quan tại Trung Quốc…

Sở Công thương Bình Thuận đề nghị Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật thông tin về vùng trồng trọt và cơ sở đóng gói các loại trái cây và đề nghị Bộ NN-PTNT thông báo với phía Trung Quốc. Mặt khác, tiếp tục triển khai các chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo ATTP, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc nói riêng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường nói chung nhằm tránh rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp và tránh gây ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Theo Nongnghiep.vn