Thanh, kiểm tra phân bón sẽ không còn ‘trống dong cờ mở’

Việc chỉ trong thời gian ngắn ban hành liên tiếp Nghị định 55/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón cùng với Nghị định 108 về quản lí phân bón cho thấy quyết tâm thay đổi một cách toàn diện lĩnh vực quan trọng này của Chính phủ và ngành nông nghiệp. 

Cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung về những đột phá của Nghị định 55.
 
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung

Ông có thể cho biết Nghị định 55 ra đời trong bối cảnh ngành phân bón hiện tại mang ý nghĩa như thế nào?

Nghị định 55 ra đời trước hết khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về phân bón, đồng thời bảo đảm tính thống nhất hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.

Trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón phải căn cứ quy định tại nhiều Nghị định khác nhau, còn Nghị định 55 chỉ quy định chuyên sâu về phân bón nên đã bao phủ toàn bộ khi bảo đảm chế tài, đáp ứng yêu cầu thực tế, có tính răn đe và không bỏ lọt các hành vi.

Khi Nghị định 55 ra đời cuối tháng 4/2018, Cục BVTV ngay lập tức tuyên truyền, phổ biến tới các địa phương, doanh nghiệp. Cục đã tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt, làm rõ cách thức, tiến hành phân định thẩm quyền thanh tra, xử phạt Nghị định ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã làm sao để đưa Nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Nghị định 55 có điểm khác biệt nào so với những nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về phân bón trước đây, thưa ông?

Nghị định 55 so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều có các mức độ tăng nặng hơn về tiền kèm theo cả hình thức phạt bổ sung. Trong đó, có hành vi tăng cao nhất tới 7 lần so với trước đây, khi mức xử phạt cao nhất bằng tiền lên tới 200 triệu đồng.

“Nghị định 55 không đưa các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả vào mà chỉ có kém chất lượng, bởi hành vi sản xuất hàng giả đã được quy định ở Nghị định 185 của Chính phủ có mức xử phạt cao hơn nên ưu tiên áp dụng Nghị định 185. Hơn nữa, quy định hiện nay cũng không cho phép chồng chéo ở các Nghị định, chỉ cái gì thiếu, chưa có chế tài mới đưa vào”, ông Hoàng Trung.

Ngoài các xử phạt bằng tiền, Nghị định 55 còn các hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ, sát thực tế. Theo đó, cơ quan chức năng có quyền tịch thu, tước giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán, lưu hành phân bón.

Với vi phạm nặng hơn có thể tiến hành đình chỉ sản xuất, buôn bán phân bón. Ngoài ra, còn buộc thu hồi, tái chế các sản phẩm nguyên liệu, buộc nộp lại số lợi bất chính thu được do hành vi vi phạm tạo ra.

Với hành vi đặc biệt nghiêm trọng có thể chuyển hồ sơ qua cơ quan tố tụng để xử lý hình sự. Ví dụ như vi phạm tạo ra hành vi bất chính từ 100 triệu trở lên hay kinh doanh sản xuất buôn bán phân bón giá trị trên 200 triệu đồng mà không có giấy phép sản xuất, lưu hành…

Lĩnh vực khảo nghiệm, kiểm định phân bón cũng được Nghị định 55 quản lí rất chặt chẽ với chế tài xử phạt đi kèm rất cao, gấp đôi so với Nghị định trước và có các biện pháp bổ sung tương tự như hành vi sản xuất, kinh doanh, như hủy bỏ kết quả, thu hồi lại toàn bộ chứng nhận, thậm chí rút giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, Nghị định 55 có điểm mới khi lần đầu quy định người sử dụng phân bón không đúng quy định, sử dụng phân bón không có quyết định lưu hành, phân bón không có nhãn mác, bao bì cũng sẽ bị xử phạt từ 500 – 1 triệu đồng nhằm mang tính răn đe.

Với việc đã có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật từ quản lí đến xử phạt thì công tác thanh, kiểm tra xử lí trong lĩnh vực phân bón thời gian tới được Cục BVTV đặt mục tiêu như thế nào, thưa ông?

14-57-40_thnh-kiem-tr-phn-bon-luu-hnh-tren-thi-truong
Thanh kiểm tra phân bón ngày càng chặt chẽ

Khi đã có đầy đủ công cụ pháp lý trong tay, Cục BVTV đã phối hợp ngay lập tức với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) lên nội dung, kế hoạch cụ thể cùng Ban 389 từ Trung ương tới địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị riêng về phân bón về chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời phối hợp hệ thống thanh tra chuyên ngành tiếp tục xác định yếu tố trọng tâm, trọng điểm để thanh, kiểm tra.

Đặc biệt, việc thanh kiểm tra, xử lí phân bón trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi mang tính đột phá, hạn chế tối đa tình trạng “trống dong cờ mở” như truyền thống trước đây. Thay vào đó, Cục BVTV sẽ phối hợp và lên kế hoạch bài bản, cụ thể với Quản lí thị trường, Ban 389, C46, A86 để trinh sát, nắm bắt thông tin trước để củ yếu kiểm tra đột xuất. Việc thay đổi này vừa mang lại hiệu quả thiết thực vừa hạn chế gây phiền hà cho doanh nghiệp khi phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.

Xin cảm ơn ông!

“Để hỗ trợ thực thi hiệu quả Nghị định 108 và 55, Cục BVTV tăng cường quản lí, giám sát các phòng phân tích, thử nghiệm. Ngay từ đầu, Cục thuê toàn bộ chuyên gia độc lập đi cùng để đánh giá các phòng trước khi cấp phép nên có những đơn vị phải khắc phục đi khắc phục lại nhiều lần mới đáp ứng được yêu cầu.

Việc làm nghiêm này mang hiệu quả ngay tức thì khi trước đây các phòng phân tích gần như chỉ tiêu nào cũng nhận mình làm được, nhưng đến giờ không dám làm nữa. Từ con số 41 phòng thử nghiệm trước đây về phân bón hiện mới chỉ có 12 phòng đáp ứng được yêu cầu ở một số chỉ tiêu nhất định”, Cục trưởng Cục BVTV chia sẻ.

Theo Nongnghiep.vn