Siết chặt kiểm soát chất lượng cá tra đi Mỹ

Từ ngày 1/9/2017, siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra đi Mỹ ở tất cả các khâu nuôi, vận chuyển, giết mổ/chế biến, xuất khẩu.

Trong đó, cán bộ nhà nước phải có mặt giám sát suốt quá trình vận chuyển và giết mổ/chế biến. Những quy định trong “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” (gọi tắt là cá da trơn) được Bộ NN-PTNT ban hành ngày 15/8.  

Giám sát 100% hoạt động chế biến

Thực hiện việc giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ/chế biến tại các cơ sở là các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng.

18-44-21_2408176

Cả quá trình giết mổ/chế biến được giám sát an toàn thực phẩm

Phương pháp giám sát được quy định rõ: “Cán bộ giám sát thực hiện việc giám sát tại cơ sở trong thời điểm bất kỳ diễn ra hoạt động sản xuất, bao gồm kiểm tra tại một số hoặc tất cả công đoạn sản xuất (từ vận chuyển nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, cấp đông, ghi nhãn, lưu kho) và xem xét hồ sơ liên quan đến hoạt động chế biến, nuôi trồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm; ghi thông tin vào Phiếu giám sát do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn thống nhất”.

Nếu cán bộ giám sát đến nhưng cơ sở đã kết thúc ca sản xuất sớm hơn kế hoạch thì “cán bộ giám sát xem xét kỹ các hồ sơ liên quan và phỏng vấn đại diện cơ sở để đảm bảo các hoạt động chế biến phù hợp với quy định tại Chương trình này”. Có rất nhiều quy định chi tiết phải thực hiện nhằm bảo đảm sản phẩm cá da trơn an toàn thực phẩm; từ thiết bị, nhà xưởng, công tác vệ sinh đến lấy mẫu, ghi chép, lưu giữ hồ sơ. Trước hết, để hoạt động giám sát chặt chẽ thì cơ sở sản xuất phải báo kế hoạch sản xuất với cơ quan giám sát.

Quy định nêu rõ: “Trước thứ sáu hàng tuần cơ sở phải thông báo tới Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng về kế hoạch sản xuất các lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tuần sau (nếu cơ sở có kế hoạch sản xuất). Trong trường hợp thay đổi kế hoạch sản xuất, cơ sở phải thông báo cho Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng ít nhất 24 giờ trước khi tiến hàng sản xuất”. Cơ sở chế biến “phải bố trí khu vực làm việc cho kiểm tra viên thuộc cơ quan kiểm soát, đủ diện tích và điều kiện để giám sát, đánh giá việc bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở tại bất cứ thời điểm nào có diễn ra hoạt động sản xuất cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.

Về phía Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng phải lập kế hoạch giám sát hàng tuần. Trong lập kế hoạch “bố trí cán bộ giám sát cơ sở chế biến cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đảm bảo các cơ sở được giám sát ít nhất 1 lần/1 ca sản xuất”.  

Kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất

Từ nuôi, vận chuyển và cả công đoạn xuất khẩu cũng được kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cơ quan kiểm soát là Tổng cục Thủy sản và các Chi cục quản lý chuyên ngành về thủy sản thuộc Sở NN-PTNT địa phương. Trong đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, và các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ/Nam bộ thực hiện việc thẩm định, chứng nhận và kiểm tra sau cấp giấy điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

18-49-45_nuoi_c_tr_globlgp_cu_cty_thuy_sn_viet_n_-_n_ging_-_nh_le_hong_vu_2

Thu hoạch cá tra

Với các cơ sở nuôi cá tra “phải nằm trong vùng nuôi thủy sản được lấy mẫu giám sát trong chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản”. Các cơ sở nuôi cá tra cung cấp cho cơ sở chế biến xuất khẩu sang Hòa Kỳ “phải được kiểm tra, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Vận chuyển cá từ ao nuôi tới nhà máy chế biến cũng có nhiều quy định chi tiết để bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó là, các thùng chứa cá phải trơn nhẵn để không gây thương tích cơ học cho cá, trong quá trình vận chuyển phải cung cấp đủ ô xy để cá không yếu, chết.

Đặc biệt: “Cá chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải được loại bỏ và được chứa đựng trong thùng chứa riêng có dấu hiệu nhận dạng”. Khi tới cơ sở chế biến, tiếp tục kiểm tra và “việc kiểm tra chất lượng cá trong quá trình tiếp nhận tại cơ sở do nhân viên quản lý chất lượng của cơ sở thực hiện”.

Với cá bị loại ra phải để trong thiết bị riêng “và được ghi chép đầy đủ vào hồ sơ giám sát chất lượng nguyên liệu”. Khi vận chuyển cá “việc kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quá trình vận chuyển được kiểm tra viên của Cơ quan kiểm soát thực hiện cùng với việc kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến”.

Kiểm soát chặt chẽ cả công đoạn xuất khẩu. Chỉ những cơ sở có trong danh sách đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ mới được làm thủ tục xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm được kiểm tra, phải đáp ứng các tiêu chuẩn từ nuôi, vận chuyển đến chế biến, cả thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Sản phẩm được lấy mẫu để kiểm tra lô hàng, xét nghiệm ở cơ sở được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ định. Và “kết quả kiểm nghiệm tại các Phòng kiểm nghiệm được chỉ định là kết quả cuối cùng, không chấp nhận việc tái kiểm”.

Sản phẩm cá da trơn đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ, từng lô hàng sẽ được cấp chứng thư xuất khẩu. Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu, truy xuất nguồn gốc để sai đâu xử lý đó, doanh nghiệp có thể bị dừng xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Kèm theo Quyết định ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm…” có danh mục “tham chiếu dư lượng hóa chất, kháng sinh, kim loại” liệt kê 85 loại với các mức chấp nhận cụ thể. Với thuốc bảo vệ thực vật cũng đưa ra các mức chấp nhận với 106 loại và thuốc nhuộm có 4 loại. Riêng danh mục chỉ tiêu vi sinh, hóa học có 7 chất không cho phép tồn tại trong sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Xuất khẩu cá tra vẫn ổn định

Giá cá tra nhập khẩu vào Mỹ chạm mốc 2 USD/pao

Theo Nông nghiệp