Loay hoay tìm lối ra cho rau an toàn

Quy trình sản xuất chặt chẽ, có nhật ký hoạt động, nhu cầu thị trường lớn tuy nhiên nhiều hộ dân trồng rau an toàn (RAT) tại Hà Nội vẫn đang phải đổ buôn RAT ra chợ đầu mối chung với các loại rau khác.

Vào HTX rồi lại muốn ra

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Nga (tổ 26, phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội ) thăm từng thửa ruộng RAT trải dài ven đê sông Hồng. Thi thoảng, bà khom người tránh những tấm lưới chăng thấp che mưa cho rau. Hai tay bà lúc xúc, lúc bổ những nhát cuốc nặng nhọc xuống nền đất phù sa quyện chặt vừa mới đem từ ngoài bãi sông Hồng về.

nh-1104315226
Bà Nguyễn Thị Nga bên thửa ruộng rau an toàn.

Tiết trời đông giá rét dưới 10 độ, trên vạt áo cũng như vầng trán của bà Nga vẫn lấm tấm mồ hôi. Sau khi công việc đã hòm hòm, bà lấy chiếc khăn tay nhỏ trong túi lau mặt, sự mệt mỏi, buồn chán vẫn ẩn hiện trong ánh mắt. “Từ khi vào hợp tác xã (HTX), nhà tôi vốn có 4 sào ruộng, thuê thêm 4 sào nữa để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không có đầu ra. Đến 90% sản lượng phải để các lái buôn thu mua đổ ra chợ đầu mối, giá rau an toàn cũng chỉ bằng giá rau bình thường thậm chí còn thấp hơn. Công sức trồng rau an toàn lớn hơn gấp nhiều lần, phải tuân thủ hơn 60 quy chuẩn nghiêm ngặt, có nhật ký giám sát từng luống… Mất công như vậy mà không đảm bảo đầu ra thì còn ai muốn làm”, bà Nga nói giọng đượm buồn.

Bà Nga cho biết trồng RAT có quy trình nghiêm ngặt, từ việc chọn giống cây, ngày nào gieo, ngày nào bón, loại phân, loại đạm…Loại đất trồng là đất phù sa sông Hồng với đặc tính mát, phù hợp với rau. Phân bón sử dụng các loại phân sinh học được chế xuất từ giun đất hay phân chuồng ủ đúng cách, đạm, kali được bổ sung bằng gio bếp với hàm lượng tiêu chuẩn. Nước tưới cũng được lắp đặt đường ống nước sạch và máy bơm chạy thẳng vào từng khoanh ruộng. Mỗi sáng, bà Nga dậy khi mặt trời còn chưa mọc, chăm bón, tưới tiêu cho đúng giờ ghi nhật ký. Công việc vất vả là vậy nhưng đầu ra sản phẩm lại không được bao tiêu.

Các hộ trồng rau kiêm luôn việc tìm mối để bán hàng. Bán cho các lái buôn đổ ra chợ đầu mối, giá rau an toàn bị đánh đồng với các loại khác. Có những buổi sớm vợ chồng bà Nga phải dậy từ lúc 2, 3 giờ sáng để kịp giờ các lái buôn vào thu mua rau đi chợ. Bà Nga kể có hôm mang cơm ra ruộng, ông nhà còn hỏi lại: “Bà cho tôi ăn sáng hay trưa thế nhỉ?”

“Giá các loại rau ăn lá trồng theo tiêu chuẩn RAT hiện chỉ ở mức 10 đến 12 nghìn/ kg, thậm chí có lúc bán ra chợ chỉ 7 đến 8 nghìn. Điều này khiến tôi và nhiều xã viên chán nản và muốn bỏ cuộc quay lại trồng rau bình thường”, bà Nga nói.

nh-2104315630
Nông dân loay hoay tìm lối ra cho rau an toàn.

Giống như gia đình bà Nga, nhiều hộ dân sau khi tham gia HTX đã phải thuê thêm đất, thêm nhân công để sản xuất và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất. Tuy nhiên vì đầu ra không đảm bảo mà các hộ đều sản xuất cầm chừng, không có ý định phát triển quy mô. Ông Nguyễn Hồng Minh (phó chủ nhiệm HTX rau sạch Lĩnh Nam), cho biết chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ RAT hiện nay chưa hình thành.

“Làm hợp đồng với các siêu thị, cơ sở bán lẻ đôi khi còn bị vướng mắc vì thanh toán chậm, trong khi bà con cần nguồn vốn để xoay vòng sản xuất. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên mở thêm gian hàng để vừa sản xuất vừa giới thiệu và bán sản phẩm. Nhưng làm như vậy chúng tôi lại mất thêm chi phí thuê mặt bằng, nhân công và phải quản lý”, ông Minh nói.

Ông Minh nói giải pháp tình thế để tiêu thụ rau sạch được HTX hướng đến là ký hợp đồng với các cơ quan có bếp ăn tập thể, các trường học. Việc bán RAT cho các đơn vị này giúp HTX đỡ được các chi phí nhân công, đóng gói bao bì, nhãn mác… Chỉ cần rửa sạch rau và sơ chế là có thể đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không phải là tối ưu vì lượng thu mua của các đơn vị nêu trên chỉ có hạn. Sản lượng trung bình mỗi ngày tại HTX rau an toàn Lĩnh Nam khoảng 10 tấn, lượng được bao tiêu chỉ rơi vào khoảng 2 tấn, số còn lại các hộ trồng RAT phải tự tìm cách “giải quyết”.

Bà Nguyễn Thị Huyền (Chủ tịch hội đồng quản trị HTX trồng RAT, thôn Ba Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh), cho biết khu vực này có 30ha trồng rau. Trong đó, 17ha trồng theo tiêu chuẩn RAT được cấp giấy, có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên hiện nay các xã viên chỉ hoạt động cầm chừng đủ để cung cấp cho một số đầu mối quen và bán cho bà con làng xóm.

nh-41043164
Chồng bà Nga đang tưới nước cho ruộng rau an toàn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các hợp tác xã sản xuất RAT và doanh nghiệp thu mua chỉ tiêu thụ 4,8% sản lượng RAT. Số RAT được đưa vào siêu thị càng ít ỏi hơn, chỉ chiếm 1,5%.  

Hướng đi nào cho RAT?

 

Sản phẩm chất lượng, sản lượng cao nhưng lượng RAT được tiêu thụ đúng nguồn lại quá ít đang là một nghịch lý lớn. Nhiều người dân có nhu cầu sử dụng và sẵn sàng trả số tiền cao hơn để mua RAT nhưng lại khó tiếp cận với nguồn sản phẩm này. Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là do người tiêu dùng chưa thực sự có niềm tin về sản phẩm RAT, tiêu chuẩn RAT chưa thực sự rõ ràng để phân biệt. “Những quầy bán RAT trong hệ thống siêu thị của Hapro đang lỗ, khi lợi nhuận RAT rất thấp không bù được chi phí vận chuyển, bảo quản, tiền điện, mặt bằng”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thoa- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), khó khăn cho RAT hiện nay còn nằm ở việc các siêu thị khi ký hợp đồng đưa ra những tiêu chuẩn, quy định chỉ phù hợp với các mô hình trồng RAT quy mô lớn.

“Đây là rào cản rất lớn cho những hộ trồng RAT đưa sản phẩm của mình lên quầy hàng. Theo tôi, cần có những khu chợ dành riêng cho sản phẩm an toàn, đặc biệt là RAT để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng được loại rau này. Lúc trước đã có chương trình thí điểm sử dụng mã QR code cho các sản phẩm rau sạch nhưng không được khả quan lắm. Vì không phải ai cũng đi mua có một mớ rau lại lăm lăm điện thoại kiểm tra xem có đúng mã tiêu chuẩn không”.

nh-3104315796
Một thửa ruộng rau an toàn ở Hà Nội.

Bà Thoa cho biết diện tích sản xuất RAT trên toàn địa bàn thành phố hiện ở mức 12 nghìn ha với khoảng hơn 40 loại rau. Định hướng đến năm 2020, nâng mức diện tích lên 16 nghìn ha. Tuy nhiên, trước mắt các nhà quản lý cần giải bài toán đầu ra cho sản phẩm RAT.

Theo Nongnghiep.vn