Giải pháp ngăn chặn xuất, nhập lậu lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, lượng cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, giá thịt lợn và các sản phẩm từ thịt tăng cao, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt có nguy cơ làm thiếu hụt lượng cung thịt lợn trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thịt lợn, đã xuất hiện tình trạng xuất, nhập khẩu lợn trái phép qua biên giới, ảnh hưởng đến việc bình ổn thị trường, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

98tz_19
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang kiểm đếm đàn lợn nhập khẩu trái phép bị thu giữ. Ảnh: Chiến Khu

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số CPI tháng 11-2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao. Nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi, cả nước phải tiêu hủy 5,9 triệu con lợn, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt khoảng 340 nghìn tấn, làm tình trạng buôn lậu thịt lợn diễn biến phức tạp.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương luôn coi thịt lợn là mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo ổn định thị trường, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết cổ truyền. Do đó, cơ quan này luôn theo dõi sát thị trường, cung – cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung để đưa ra các giải pháp ổn định thị trường. “Vào tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn, nếu không cẩn trọng, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ thiếu nguồn cung thịt lợn ra thị trường, dẫn đến giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, làm tăng chỉ số CPI và sự ổn định của nền kinh tế” – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, mới đây, Chính phủ đã có cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6-2019 đến nay, số lợn buộc phải tiêu hủy là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10-2019 và giảm 88% so với tháng 5-2019. Hiện nay, có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

“Chúng tôi đã tổ chức 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, hạn chế dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương đã chỉ đạo tái đàn và cung cấp lợn thịt cho thị trường. Trong 10 tháng của năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54 nghìn tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối lượng thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để bình ổn giá thịt lợn cho dịp cuối năm, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã có các giải pháp, tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, hộ gia đình… đảm bảo 3 nguyên tắc: An toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, cân đối cung cầu, đảm bảo an sinh. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, những giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Đặc biệt, ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới và xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

“Bộ Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía Bắc và Tây Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc xuất khẩu trái phép lợn sang nước khác, ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung thịt lợn trong nước đang ngày càng thiếu hụt. Đặc biệt, kiểm soát lợn nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam vì đây là 2 quốc gia không nằm trong 24 quốc gia được Việt Nam cho phép nhập khẩu thịt lợn. Nếu để tình trạng nhập khẩu trái phép lợn vào Việt Nam sẽ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong việc ngăn chặn hoạt động xuất, nhập khẩu trái phép lợn và các sản phẩm từ thịt qua biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình, tuần tra kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, lối mở, quyết không để tình trạng xuất, nhập trái phép lợn qua biên giới.

Từ những biện pháp quyết liệt của BĐBP đã ngăn chặn triệt để việc vận chuyển trái phép lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc và vận chuyển trái phép lợn từ các nước vào Việt Nam qua địa bàn biên giới Tây Nam. Đặc biệt, BĐBP các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang… đã triệt phá nhiều vụ vận chuyển trái phép lợn qua biên giới và tổ chức tiêu hủy đảm bảo an toàn.

Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang cho biết: Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn càng lớn, dẫn đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ thịt lợn qua biên giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trước tình trạng này, BĐBP An Giang đã tập trung lực lượng, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn triệt để tình trạng này. Từ đầu tháng 11 đến nay, BĐBP An Giang đã bắt giữ 5 vụ buôn lậu lợn từ Campuchia về Việt Nam, tịch thu 165 con lợn với tổng trọng lượng gần 12 tấn.

Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống  ma túy và tội phạm BĐBP cho biết, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, đường sông trên biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập lậu lợn, các sản phẩm từ thịt lợn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về nguy cơ của dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh xâm nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào Việt Nam và ngược lại.