Giá hành lá ở đồng bằng sông Cửu Long bỗng nhiên tăng cao

Hiện nay, tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là huyện Bình Tân (Vĩnh Long) và huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhiều hộ nông dân đã khá lên nhờ trồng rau màu, trong đó hành lá chiếm một diện tích khá lớn.

Nơi trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Tân là các xã ven quốc lộ 54 như Tân Bình, Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Quới, Thạnh Lợi…

12-46-08_4_hnh_chun_bi_chuyen_di_cc_noi

Hành lá giao cho thương lái

Hơn một tháng nay, giá hành lá bỗng nhiên tăng cao khiến cho người trồng vô cùng phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Mười nói: “Tôi trồng hành lá đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ giá cả tăng đột biến như hiện nay. Thương lái đến đặt tiền cọc trước khá cao, đến tận rẫy thu mua, không ép giá hoặc làm khó dễ như trước đây”.

Ông Trần Văn Năm, ngụ xã Phú Thịnh cho biết : “Mới 2 tháng trước giá bán từ 300.000 đến 400.000 đồng/tạ (mỗi tạ 60 ký), hiện nay thương lái mua tại rẫy từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tạ, nhưng không đủ hàng để bán”. Ông Hà Văn Hùng ở xã Phú Thịnh cũng vui mừng cho biết năm nay ông trồng 10 công hành lá, sau khi trừ hết các chi phí còn lời non 200 triệu đồng. Một kết quả thật bất ngờ, từ trước đến nay ít ai trồng hành đạt được lợi nhuận như thế.

Ông Nguyễn Cao Miên, GĐ Hợp tác xã Rau – Củ – Quả Tân Bình, huyện Bình Tân cho biết, giá hành tăng cao khiến cho bà con nông dân vô cùng phấn khởi. Đây cũng là cơ hội giúp cho người trồng có vốn đầu tư mạnh vào mùa vụ tới, năng suất, chất lượng sẽ cao hơn.

Bà con trồng hành ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết sở dĩ hành tăng giá bất thường là do các vụ hành vừa qua bị giảm giá mạnh, người trồng thua lỗ nên một số bà con bỏ vụ, không xuống giống, sản lượng cung không đủ cầu. Nguyên nhân thứ hai là do mưa nhiều, thời tiết bất lợi khiến cho hành bị sâu bệnh, năng suất thấp. Hơn nữa, năm nay lũ đồng bằng sông Cữu Long về sớm khiến cho các huyện đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp giảm diện tích gieo trồng.

ĐBSCL: Hành lá mùa lũ ‘sốt’ giá

Giá ớt tăng cao, người trồng phấn khởi​

Theo Nông nghiệp